Cần làm gì khi trẻ bị bỏng?

Tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, số trẻ nhập viện do bị bỏng tăng cao. 

Bỏng là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ em, tùy từng mức độ bỏng và tùy nguyên nhân mà có hướng xử trí và điều trị khác nhau. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì các bước sơ cứu ban đầu là bước quan trọng để giảm tình trạng nặng do bỏng gây ra.

Theo các chuyên gia, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều bậc phụ huynh chưa nắm rõ, thậm chí hiểu sai về sơ cứu khi trẻ bị bỏng khiến vết thương của trẻ càng trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, thực hiện sơ cứu đúng cách khi có tai nạn bỏng xảy ra sẽ giúp hạn chế được những rủi ro đáng tiếc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đây là các bước sơ cấp cứu cơ bản khi trẻ bị bỏng:

Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có tác nhân.

Cởi bỏ ngay quần áo. Ngâm ngay phần bị bỏng vào trong nước sạch, mát hoặc dưới vòi nước đang chảy (nhiệt độ nước khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất. Thời gian khoảng 15 - 20 phút). Nếu bỏng hóa chất như vôi tôi nóng thì thời gian khoảng 20 - 30 phút. Việc này có tác dụng giảm độ sâu bỏng, giảm đau, giảm phù nề.

Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng. Giữ vết bỏng sạch, sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn để giảm đau tại chỗ.

Nếu là trẻ nhỏ thì cho bú, trẻ lớn hơn thì cho uống nước nhiều, nước đường có pha chút muối ăn hoặc dung dịch Oresol để phòng sốc bỏng. Theo dõi trẻ, không được để thức ăn ùn tắc họng trẻ. Phải bế đầu cao, nghiêng về một bên, tránh thức ăn trào ngược vào khí quản.

Tìm mọi cách đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (khi trẻ còn tỉnh táo). Tránh chuyển trẻ đi khi còn đang sốc.

Bố mẹ cũng nên chú ý stress cũng là nguyên nhân gây sốc cho trẻ. Sau bỏng sẽ có những hoảng loạn về tinh thần, khi đó bố mẹ phải động viên, an ủi, đừng để trẻ bị hoảng loạn.

Theo chuyên gia, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh cần theo dõi trẻ thường xuyên, hạn chế cho trẻ lại gần khu vực bếp. Không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. Chú ý trông chừng trẻ khi ngồi ở bàn ăn có bếp lò dùng cồn để nấu. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cần cho trẻ biết những hiểu biết cơ bản để phòng tránh các tai nạn gây nên bỏng. Hướng dẫn cho trẻ những điều cần làm nếu không may xảy ra tai nạn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà của trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ. Bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và tử vong. Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ em hoảng sợ và có thể bị sốc, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là bỏng nước sôi, bỏng lửa, hóa chất, điện, sử dụng đồ dùng không đúng cách, thức ăn nóng, nến, pháo,...

Theo Đời sống
back to top