​​​​​​​Cái sự học sao mà nhọc nhằn

(khoahocdoisong.vn) - Cái sự học sao mà nhọc nhằn khi những đứa trẻ 6 tuổi đã phải xa nhà lên trường học. Khát vọng học chữ để thay đổi cuộc sống mới cháy bỏng làm sao, chỉ có ngày càng khó thành hiện thực.

Cực nhọc chuyện đi lại

Từ trung tâm huyện Mù Cang Chải vào đến Trường THCS và tiểu học bán trú Chế Tạo phải đi mất 35 km nữa. Trong đó hơn 30 cây đã có đường bê tông rồi (dù nhiều chỗ đường dốc đứng, ai không quen thì không thể đi nổi), còn hơn 4 cây số nữa đường đất mới thật kinh hoàng.

Mùa này chưa có mưa, chỉ có sương mù thôi mà nhiều đoạn đường lầy lội, trơn truội, bánh xe quay tít không đi được, mấy thanh niên trong bản ra chở đoàn chúng tôi vào phải chống chân rất vất vả mới đẩy xe đi được. Lại có những đoạn đá lổn nhổn như dưới lòng suối, một bên là vực, rất nguy hiểm. Cứ lên rồi lại xuống hai hay ba ngọn núi như thế thì cũng đến nơi. Một nơi xa xôi và khó đi bậc nhất ở Mù Cang Chải.

Mấy cô giáo ở đây bảo, đến mùa mưa còn lầy lội nữa, chỉ còn cách hai người đẩy xe thì mới đi được, nên những lúc như thế thà đi bộ còn dễ hơn. Đường bê tông mới làm cách đây một vài năm, còn trước đó những lúc không đi được xe máy, đi bộ ra ngoài huyện mất hơn một ngày, đi từ sáng, có khi khuya mới tới nơi. Rất cực!

Đấy là chuyện đi lại của các thày cô, còn với học sinh, chỉ có cách đi bộ. Các em học tiểu học, 8-9 tuổi đi bộ 5-7 cây từ nhà đến trường là chuyện bình thường.

Đây là trường bán trú nên các em ở lại trường đến cuối tuần mới về, còn những em nhà xa quá thì có khi cả tháng mới về. Trời thì lạnh, nước từ trên nguồn được dẫn vào bể, lạnh buốt, nên chẳng thấy đứa nào tắm. Có đứa chân còn cáu bẩn không biết từ bao lâu rồi không rửa.

Ăn cơm xong, mỗi đứa mang bát đũa của mình ra tự rửa rồi xếp vào tủ. Rửa bẩn thì chịu bẩn. 7h trời đã tối mù, cái bóng điện nhỏ không đủ chiếu sáng cho căn phòng, không tivi, không internet, không sách, không truyện để đọc…mấy đứa bạo dạn thì vào ngồi quanh bếp nghe chuyện của khách. Còn những đứa khác thì rút lên giường, lục đục một lúc rồi thấy im ắng cả.

Khát vọng học để đổi đời

Tối chủ nhật hôm chúng tôi đến, đoàn các thày cô đưa học sinh ra huyện thi Giai điệu tuổi hồng khi về thì gặp sự cố. Hai học sinh nữ lớp 9 khi về đến gần trường đã không về nhà, không về trường. Có người nhìn thấy đi với hai thanh niên ở bản bên. Thày hiệu phó Giàng A Chua lo lắng sợ mất học sinh. Lại thêm một nỗi lo, nỗi khổ, nỗi vất vả của các thày cô nơi này mà đến giờ tôi mới biết.

Chúng tôi được bố trí ngủ tại phòng của cô hiệu phó trường mầm non Chế Tạo. Tường được làm bằng những thanh gỗ mỏng và thưa, đêm gió lùa buốt thôi là buốt. Có chăn, có đệm nhưng vẫn phải mặc áo khoác, chui vào mũ mới ngủ được. Phòng bên, bọn con gái cũng thấy húng hắng ho suốt. Mặc dù đứa nào cũng đã có chăn ấm của các đoàn từ thiện cho.

Nhìn những đứa trẻ 6-7 tuổi mới học lớp 1, lớp 2, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, đã phải xa nhà lên trường học, phải tự lo lấy mọi việc, thật thương. Có đứa tóc rối bù, vàng hoe và cứng quèo, hình như lâu rồi chưa gội, chưa chải.

Chúng tôi đến trường vào sáng chủ nhật, nhiều học sinh về nhà, chỉ còn lại mấy em nhà xa không về được, lủi thủi chơi, rất tội. Và đứa nào cũng thấy mũi dãi thò lò. Cái sự học sao mà nhọc nhằn!

Thầy Huy, giáo viên dạy thể dục Trường THCS Chế Tạo bảo, dân ở đấy rất hiếu học. Có những nhà không đủ điều kiện cho con học bán trú (học sinh phải ở xa trường từ 4km trở lên mới được ở bán trú) tức là có khi nhà cách trường 3km, nhưng đường rừng núi khó đi, họ phải thuê nhà hoặc làm nhà tạm ở gần trường, rồi cử một người lớn (thường là ông hoặc bà) lên ở cùng trông nom các em. Ai cũng mong muốn con cái được học hành để thay đổi cuộc sống.

Khi đến Mù Cang Chải, cô Dương Thị Liễu, hiệu phó Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải đã cho chúng tôi biết, từ khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi, cụ thể là với học sinh bán trú được hỗ trợ mỗi tháng 480.000đ (bằng 40% mức lương cơ bản) và 15kg gạo, thì tình trạng các em bỏ học giảm hẳn. Còn trước đây, mỗi đợt về nghỉ Tết hay nghỉ hè, nhiều em không lên trường nữa. Các thày cô phải đến tận nhà để vận động, rất vất vả.

Không chỉ Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cũng đã có nhiều người đến đây hỗ trợ xây nhà ăn, xây nhà vệ sinh (dù bên trường THCS Chế Tạo, nhà vệ sinh xây xong nhưng chưa dùng được vì không có nước), rồi chăn, áo ấm, mũ len… Rất nhiều người chung tay mong những đứa trẻ được học hành để cuộc sống nơi đây bớt khổ.

Học xong vẫn thất nghiệp

Cậu thanh niên trong bản chở tôi vào trường kể, học đến THPT cậu phải ra huyện học, rồi thi vào cao đẳng điện, học xong ra trường không xin được việc làm, giờ về nhà lấy vợ đẻ con, lại làm ruộng. Cậu có hai đứa em học xong cao đẳng sư phạm cũng đang thất nghiệp.

Thầy Giàng A Sở, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú và tiểu học Chế Tạo cho biết, cách đây khoảng 5-6 năm thì xin việc còn dễ. Nhưng từ năm ngoái đến nay riêng trường Chế Tạo đã phải giảm biên chế 5 người. Con gái của thầy học xong cao đẳng sư phạm cũng không xin được việc làm.

Cái sự học ở vùng cao này thật quá  khó khăn. Nhìn những đứa trẻ 6 tuổi đã phải xa nhà lên trường học, những gia đình phải thuê trọ, cắt cử người trông nom cho trẻ con đi học, rồi Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền của để giữ cho những đứa trẻ này được đến trường… mới thấy ai cũng mong có chữ sẽ thay đổi được cuộc sống.

Bao nhiêu công sức của rất nhiều người như thế nhưng nếu cái cảnh học xong vẫn thất nghiệp như bây giờ thì quả là phí quá. Có thể có người bảo có học vẫn hơn chứ, có học họ sẽ có cách suy nghĩ khác để thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng cứ nhìn con đường khó đi như thế, thời tiết khắc nghiệt như thế, cuộc sống còn thiếu thốn và lạc hậu đến như thế, thì rõ ràng cái sự thay đổi ấy còn xa xôi lắm.

Chúng ta vượt qua bao khó khăn vất vả để đến đây, để được thấy, để chia sẻ, nhưng làm thế nào có những hướng phát triển cho vùng đất này để những thanh niên ở đây mất bao nhiêu công đi học, ra trường sẽ tìm được việc làm. Đó vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Theo Đời sống
back to top