Cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường thai kỳ cho mẹ bầu

Bệnh tiểu đường thai kỳ là mối đe dọa tiềm tàng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Vì thế, hiểu biết về chúng cũng như trang bị những biện pháp phòng ngừa để phòng tránh là rất hữu ích.

Đe dọa tính mạng cả mẹ và con

TS.BS Nguyễn Quang Ân, Nguyên Giám Đốc trung tâm đột quỵ bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, tình trạng tiểu đường thai kỳ hiện nay đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 2% đến 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ.

Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng mà đường huyết tăng cao hơn bình thường trong thời gian mang thai, thường là giai đoạn nửa sau của thai kỳ. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, khi mang thai, nhau thai sẽ sản xuất ra một số hormon có khả năng ngăn chặn hoạt động của insulin – hormon có vai trò chuyển hóa đường thành năng lượng.

Vì thế mà các tế bào của cơ thể dễ trở nên kháng insulin hơn, khiến cho hàm lượng đường trong máu luôn ở mức cao, đặc biệt là sau bữa ăn.

Lượng đường trong máu của mẹ bầu luôn ở mức cao đồng nghĩa với việc, em bé nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tình trạng em bé phát triển nhanh và có kích thước lớn. Thai to có thể khiến mẹ khó sinh thường và phải sinh mổ.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ hoặc không được điều trị phù hợp thì thai nhi có thể phải đối mặt với những nguy cơ:

- Gặp các vấn đề về hô hấp, như suy hô hấp, do sinh non

- Bị vàng da

- Bị hạ đường huyết sau khi được sinh ra. Lượng đường trong máu thấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến biến chứng co giật.

- Thai chết lưu

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được sinh ra khi mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có khả năng phát triển các hội chứng bệnh lý sau:

- Béo phì

- Rối loạn chuyển hóa

- Bệnh tiểu đường tuýp 2

- Suy giảm khả năng sản xuất insulin và tế bào giảm nhạy cảm với insulin

Đối với mẹ bầu, lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp hoặc tiền sản giật. Đây là những biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của của mẹ và em bé.

Mặc dù nồng độ đường huyết thường sẽ trở lại mức bình thường sau khi sinh con, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều mối nguy cơ sau này. Khoảng 50% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có khả năng mắc lại bệnh này khi già đi. Và nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục bị tiểu đường trong lần mang thai tiếp theo.

Ăn uống lành mạnh để phòng ngừa

TS.BS Nguyễn Quang Ân nhấn mạnh, nói chung bệnh tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe của mẹ và bé, cả trong quá trình mang thai và sau này. Vì thế, mẹ bầu cần có những biện pháp để kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là thực hiện lối sống khoa học và đảm bảo sức khỏe ở trạng thái tốt nhất. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ đang bị thừa cân béo phì hoặc có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường.

Ăn uống khoa học: Bước đầu tiên trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ là thực hiện chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát cân nặng và đảm bảo mức đường huyết luôn an toàn.

Một cách để giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường là theo dõi lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống. Các thực phẩm chứa một lượng lớn carbohydrate là đồ ngọt, mật ong, gạo, ngũ cốc,…

Trước khi mang thai, bạn có thể thực hiện một số chế độ ăn kiêng hoặc tập luyện giảm cân, nhưng nếu đang mang thai, mẹ bầu vẫn cần ăn đủ dinh dưỡng để đảm bảo thai nhi khỏe mạnh. Khi đó, mẹ bầu có thể tham khảo các khuyến nghị sau đây về chế độ ăn uống:

Đảm bảo lượng tinh bột hợp lý: Thực phẩm giàu tinh bột sẽ chuyển hóa thành glucose khi đi vào cơ thể, vì vậy, nếu lo ngại về nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, bạn không nên ăn chúng quá nhiều.

Tuy nhiên, tinh bột vẫn cần có trong mỗi bữa ăn. Một hoặc hai chén cơm trong mỗi bữa ăn là vừa đủ cho nhu cầu của cơ thể.

Uống 1 cốc sữa mỗi ngày: Sữa là thực phẩm tốt cho sức khỏe và là nguồn cung cấp canxi quan trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên, sữa cũng là một dạng carbohydrate và nếu uống quá nhiều một lúc có thể làm đường huyết tăng cao. Bạn cũng có thể sử dụng loại sữa ít đường nếu muốn uống thêm nhiều sữa hơn.

Hạn chế đồ ngọt và món tráng miệng: Bánh ngọt, bánh quy, kẹo, nước ngọt,… là những thực phẩm chứa lượng carbohydrate cao và không tốt cho sức khỏe. Những thực phẩm này thường chứa một lượng lớn đường, chất béo, và có rất ít giá trị về mặt dinh dưỡng.

Bổ sung đủ axit folic mỗi ngày: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc việc bổ sung axit folic hàng ngày trước khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Các chuyên gia cho biết, việc cơ thể không có đủ folate có liên quan đến tình trạng kháng insulin và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. So với những người không bổ sung đủ thì những phụ nữ được bổ sung đủ 400-600mcg axit folic cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ thấp hơn khoảng 25%.

Axit folic là dạng tổng hợp của folate, hay vitamin B9, được tìm thấy trong các loại rau lá xanh, các loại hạt, đậu Hà Lan, gan bò và các loại thực phẩm khác. Các tổ chức y tế khuyến nghị phụ nữ mang thai nên được bổ sung đủ 400-800mcg axit folic mỗi ngày.

Theo Đời sống
back to top