Một cháu bé hơn 7 tuổi được mẹ đưa đến BV Nhi Trung ương để kiểm tra vì lo sợ con dậy thì sớm. Ảnh: T.H.
Dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó.
Thế nào là dậy thì sớm?
Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
Phần lớn trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ở các bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân kể trên thường rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được bác sĩ cân nhắc. Một nguyên nhân khác cần được chú ý là gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa…
TS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương), cũng cho rằng hiện nay trẻ (cả nam và nữ) tuổi dậy thì sớm bắt đầu sớm hơn so với trước kia.
“Hiện nay đối với nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi. Như vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn”, TS Thảo cho hay.
Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…
“Số trẻ dậy thì sớm tới điều trị tại khoa ngày càng gia tăng so với cách đây 10 năm đã tăng tới hàng trăm trường hợp. Mỗi một năm khoa tiếp nhận hơn 1.000 ca dậy thì sớm và cấp thuốc hàng tháng cho khoảng 500 cháu”, TS Thảo nói.
Theo chuyên gia này, vấn đề mà các bậc phụ huynh thường lo lắng nhất chính là sự phát triển “vượt trội” ở tuyến vú đối với các bé gái nên hốt hoảng cho đi khám. Đối với trường hợp này, TS Thảo cho rằng kể cả đối với trẻ có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng khi đi khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm.
Về nguyên nhân dẫn khiến trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng, theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương gây dậy thì sớm trung ương, còn có các yếu tố khác như: môi trường, dinh dưỡng, lối sống… sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
“Ví dụ, trẻ thừa cân béo phì sẽ thúc đẩy dậy thì sớm hơn. Hay những trẻ tiếp cận với thông tin, internet, mạng xã hội từ khi còn nhỏ cũng là nguyên nhân thúc đẩy”, TS Thảo cảnh báo.
Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai. Ở bé gái có các dấu hiệu: ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Ở bé trai có các dấu hiệu: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi. Sự tăng chiều cao cân nặng có thể nhận thấy ở cả hai giới.Biểu hiện của dậy thì sớm
Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.
Để xác định dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Trẻ dậy thì trước 8 tuổi cần được đánh giá cẩn thận bằng các kỹ thuật như xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hormone bất thường; chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm; chụp X-quang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh quá so với tuổi thực, ví dụ đứa trẻ lên 7 mà tuổi xương lại tương đương với trẻ 12 tuổi thì nhiều nguy cơ trẻ không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.