Ảnh minh họa.
Những loại hàng dễ bị gian lận
Kết quả cuộc thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đóng gói sẵn Bộ KH&CN công bố cho thấy, nhóm hàng hóa có tỉ lệ vi phạm cao về trọng lượng là rượu bia nước giải khát, nước uống, nông sản, sản phẩm từ nông sản, phân bón, sơn, bột bả tường… Đã có 556 cơ sở bị xử phạt trên tổng số 2.867 đơn vị được kiểm tra với tổng số tiền phạt là 1,7 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Dũng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, hàng đóng gói sẵn theo định lượng là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua.
Hàng đóng gói sẵn rất đa dạng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như bánh, mứt, kẹo, đường, sữa, sản phẩm từ sữa, thủy sản, sản phẩm từ thủy sản, bia rượu, nước giải khát, nước uống, dầu ăn, muối, mỳ chính, bột gia vị, nước mắm, xà phòng, chất tẩy rửa, xi măng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Lợi dụng thói quen không quan tâm nhiều đến nhãn mác hàng hóa của người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất đã gian lận trọng lượng.
Ông Phạm Viết Bình, Chánh Thanh tra Sở KH&CN Sơn La cho biết, hàng hóa ở các tỉnh phần lớn là hàng hóa nhỏ lẻ, chủ yếu từ các tỉnh miền xuôi đưa lên, hàng vi phạm chủ yếu là về đo lượng, định lượng thiếu so với công bố ghi trên nhãn mác, rồi tem nhãn không ghi đầy đủ các thông số cần thiết, một số hàng hóa nhập ngoại không có nhãn phụ theo yêu cầu.
Càng ở vùng sâu, vùng xa, vi phạm về định lượng hàng hóa càng lớn do đi lại khó khăn, đồng bào thiếu thốn hàng hóa, thanh kiểm tra kém.
Nếu người tiêu dùng mua phải hàng thiếu trọng lượng, dung tích như thông tin niêm yết tại bao bì có thể khiếu nại tới Hội Bảo vệ Người tiêu dùng và Phòng Bảo vệ người tiêu dùng – Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Ngoài Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện cả nước có gần 50 hội bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương.
Nhận biết hàng hóa gian lận
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam công bố vào tháng 12/2013 thì cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì.
Ví dụ, những gói kẹo, bánh bao bì ghi 300g nhưng thực tế chỉ có khoảng 280 – 290g, nước tương, nước mắm ghi 500ml nhưng thể tích thực lại chỉ được khoảng 480ml…
Ông Phạm Viết Bình cho biết, ví dụ như định lượng hàng gas, ngay cả người kinh doanh cũng không có phương tiện để kiểm tra. Để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng thì phải tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền về đo lường.
Vấn đề là người dân không ý thức nhiều lắm về việc xem nhãn mác, tiêu chuẩn hàng hóa ghi trên bao bì. Một số hàng hóa, thường những thông số phải để chỗ sáng để người mua dễ nhận biết thì lại nằm ở chỗ tối, ẩn đi.
“Ví dụ như gói bột canh Hải Châu, trước đây đóng gói khối lượng là 200g, nhưng giờ phần ghi trọng lượng được đẩy vào một góc rất khó nhìn với trọng lượng là 190g.
Với một gói hàng thì lượng giảm đó không lớn, nhưng nếu là hàng trăm, hàng nghìn tấn thì đó là con số lớn. còn người tiêu dùng thì lại vẫn tưởng đó là gói hàng 200g. Không biết đó có phải là sự cố tình của người sản xuất hay không”, ông Bình cho biết.
Người tiêu dùng nên lưu ý đến các tiêu chí ghi trên nhãn hàng hóa, trước tiên là quan tâm đến hạn sử dụng, sau đó là tên nhà sản xuất.
Những mặt hàng mình đã quen dùng thì nên có những nhận biết bằng cảm quan để thấy sự khác biệt của trọng lượng. Không mua sản phẩm khi tem nhãn in quá mờ, hoặc thể hiện nội dung mập mờ, không công bố các tiêu chuẩn cần thiết, in ở những vị trí quá khó tìm…
Bảo Khánh