Ăn nhiều đường mẹ có thể phải sinh mổ, sinh non
ThS.BS Đỗ Đình Tùng, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, có nhiều phụ nữ thích ăn đồ ngọt khi mang thai trong khi đường máu mẹ cao ảnh hưởng đến phát triển của thai nhi.
Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ thường gặp các triệu chứng như ợ nóng, thay đổi tâm trạng và buồn nôn, nôn. Khi nạp vào cơ thể một lượng đường quá mức, những triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng và kéo dài hơn. Theo các chuyên gia, ăn quá nhiều đồ ngọt làm lượng đường dư thừa trong máu có thể dẫn đến đái tháo đường thai kỳ hay đái tháo đường týp 2 không kiểm soát được làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Đường dư qua nhau thai, làm tăng đường trong máu thai nhi, thai nhi sẽ tăng tiết insulin- hormon điều hòa lượng đường trong cơ thể, khiến thai to, mẹ phải sinh mổ, thậm chí sinh non.
Qua theo dõi người ta nhận thấy, các bà mẹ nghén ngọt thường hay mệt mỏi, nguyên nhân là khi ta tiếp nhận quá nhiều thức ăn ngọt thì đường chỉ cung cấp năng lượng rỗng cho cơ thể. Các thực phẩm nhiều đường chứa nhiều sucrose khiến mẹ bị hạ đường đột ngột và mệt mỏi. Thêm vào đó, việc tiếp nhận quá nhiều thức ăn ngọt dễ làm mất cân bằng dinh dưỡng, mẹ thiếu dưỡng chất nhưng vẫn tăng cân vì dư năng lượng. Việc mẹ ăn nhiều đường khiến khi lớn lên bé dễ thèm đồ ngọt, gây béo phì và nhiều tình trạng sức khỏe không tốt khác.
Ăn đa dạng và ăn cho từng thời kỳ phát triển bào thai
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để bào thai phát triển hoàn chỉnh, người phụ nữ có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và đủ dinh dưỡng. Bữa ăn cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể trẻ. Chất đạm cần thiết cho quá trình tạo máu, phát triển của các tổ chức trong cơ thể mẹ, cần thiết cho phát triển của thai và rau thai. Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với bình thường. Chất béo nên chiếm 20% tổng năng lượng (khoảng 40g). Ngoài chất đạm động vật như sữa, trứng (kể cả trứng vịt lộn), thuỷ sản, tôm, cua, cá, ốc… cần chú ý đến chất đạm từ nguồn thức ăn thực vật, vừa có lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo tốt như đậu tương, đậu xanh, cá loại đậu khác, vừng, lạc...
Phụ nữ có thai cần bổ sung các vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, kẽm, iốt, axit folic, vitamin A, D, các loại vitamin B, C. Mẹ phải ăn đa dạng, đủ chất để cơ thể không háo, không thèm thái quá một món ăn nào đó. Mẹ cũng không nên dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá, nên ăn giảm các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, giấm, tỏi. Nên ăn nhạt, bớt ăn đường để tránh tai biến khi đẻ. Tránh dùng kháng sinh có thể gây hại cho trẻ như Tetraxyclin làm hỏng răng, Streptomyxin gây ù tai, nghễnh ngãng...
Năng lượng mỗi phụ nữ sinh đẻ nói chung cần 2.200Kcal/ ngày nhưng với phụ nữ có thai 3 tháng cuối phải thêm 350Kcal (tức là 2550Kcal/ngày), tương đương với thêm 1 bát cơm đầy mỗi ngày và khi đã tăng cơm thì cũng nên bớt lượng thức ăn ngọt đi.
ThS.BS Đỗ Đình Tùng cho biết, để tránh đái tháo đường thai kỳ và tránh sinh ra những đứa trẻ thừa cân, mẹ cần tránh thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, mỡ bão hòa và muối không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất nên ăn tăng rau quả tươi, thịt nạc, trứng, các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt và các protein lành mạnh. Nên ăn tăng lượng protein để tránh hiện tượng thèm ăn vặt. Nếu chót thèm ăn đồ ngọt, nên tăng cường trái cây tươi bởi trái cây tươi chứa chất xơ, làm giảm tốc độ hấp thu đường.