Nước gạo, dầu ôliu hay bia…
Gội đầu bằng nước gạo là một phương pháp được nhiều chị em áp dụng với mong muốn giúp tóc mềm mượt, không xơ rối. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, thực tế không phải ai cũng biết gội đầu bằng nước gạo thế nào cho đúng để đạt được hiệu quả mong muốn.
Để làm nước gội đầu từ nước vo gạo thì phải là gạo giã còn nhiều chất dinh dưỡng ở lớp vỏ lụa bên ngoài hạt gạo chứ không phải loại gạo chúng ta vẫn ăn hằng ngày. Nước gạo phải đươc ủ 2 – 3 ngày để nước gạo lên men chua mới tạo ra các axit giúp làm sạch da đầu, đồng thời khi lên men các thành phần đạm có trong nước gạo mới chuyển hóa thành các axit amin có lợi cho tóc chứ không phải là nước gạo vo xong là gội luôn.
Thay vì dùng dầu gội đầu, nhiều người gội đầu bằng nước gạo, bia…
Ngoài ra, theo cách làm dân gian xưa thì sau khi gội bằng nước gạo phải gội lại bằng nước mần trầu và bồ kết thì mới đem lại hiệu quả cao cho mái tóc. Một cách làm khác được khá nhiều người áp dụng đó là ủ tóc với dầu ôliu, dầu dừa trước khi gội; hoặc ủ với bia, sữa tươi…
“Nhìn chung các cách ủ tóc này cũng như phương pháp hấp hay ủ tóc bằng các sản phẩm thương mại, đều nhằm mục đích giúp cung cấp dưỡng chất cho tóc, giúp tóc phục hồi hư tổn, tăng cường sức sống, độ chắc khoẻ và bóng mượt. Tuy nhiên, một yêu cầu chung nhất là cần xả nước cho thật sạch tóc và da đầu sau khi ủ, tránh để những dưỡng chất này bám lại trên da không chỉ nhờn bí, tiết dầu nhiều mà còn có nguy cơ gây viêm da, viêm nang tóc”, chuyên gia chăm sóc và tạo mẫu tóc Nguyễn Anh Đức, Salon tóc Anh Đức, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Anh Đức: Cùng với việc chăm sóc tóc, bạn cần ăn uống đủ nước và đủ chất. Cũng giống như cơ thể rất cần nước để duy trì sự sống, tóc không đủ nước sẽ bị khô, gãy, rụng và bị tổn thương rất lớn. Vì vậy, hãy tạo cho mình thói quen uống nước thường xuyên. Ngoài ra, một chế độ ăn uống khoa học, giàu axit béo thiết yếu, đặc biệt là axit béo omega-3 cũng giúp thúc đẩy làn da, tóc và móng tay khoẻ mạnh.
Sấy hay không sấy?
Nhiều người có thói quen bảo vệ tóc bằng cách không bao giờ sấy tóc sau khi gội, mà thường để tóc khô tự nhiên hoặc hong tóc trước quạt cho khô tóc. Lý do không sấy là vì sợ sấy hỏng tóc.
Chuyên gia Nguyễn Anh Đức cho rằng, đây là quan điểm rất sai lầm. Việc hong tóc trước quạt cho khô có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh; lý do là vì sau khi gội đầu chân tóc đang nở rộng gặp không khí lạnh sẽ rất dễ bị cảm. Ngoài ra, nếu để khô tự nhiên, tóc thường chỉ khô phần bên ngoài mà bên trong vẫn còn ẩm, dễ khiến da đầu dễ phát sinh vi khuẩn và có gàu.
Nên sấy từ khi tóc còn ướt và sấy cho đến khi tóc khô hẳn
Việc hỏng tóc do sấy là do kỹ thuật sấy tóc không đúng. Nhiều người sấy tóc theo kiểu dùng ngay nấc mạnh nhất để làm khô tóc nhanh hoăc di chuyển máy sấy liên tục… Chính những cách sấy này làm hỏng tóc chứ không phải là sấy tóc làm hỏng tóc.
Để đảm bảo sấy đúng, nên sấy từ khi tóc còn ướt và sấy cho đến khi tóc khô hẳn. Máy sấy cần cách tóc khoảng 15cm và nên để ở nhiệt độ trung bình – khoảng 500C là vừa. Luôn sấy từ gốc tới ngọn, kết hợp với sử dụng các loại lược tròn hay lược bản to, răng lược thưa. Chú ý chỉ sấy khô từng phần và từng lớp tóc mỏng, không nên di chuyển máy sấy quá nhanh hoặc sấy những lớp tóc quá dày. Ngoài ra, có thể bôi một chút kem dưỡng lên tóc để giữ độ bóng cho tóc trong suốt quá trình sấy.
Đức Anh