Cách chăm sóc dinh dưỡng đúng cho người đột quỵ để nhanh bình phục

Bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Bên cạnh các phác đồ điều trị và vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng cho người sau tai biến vô cùng quan trọng.

Chăm sóc đúng sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ giảm sức đề kháng và tàn tật suốt đời.

Theo BS Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc trung tâm Đột Quỵ, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, sau đột quỵ, một số bệnh nhân khó tiêu thụ đủ lượng calo cần thiết. Có nhiều trường hợp, người bệnh bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng trước khi bị đột quỵ. Những vấn đề này có thể cản trở khả năng phục hồi sau đột quỵ, tăng nguy cơ tàn tật lâu dài.

Vì vậy, chăm sóc người đột quỵ không chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng mà cần biết cách chăm sóc đúng khi cho ăn qua đường ống thông.

Nhu cầu dinh dưỡng đúng

Năng lượng: Đối với người bệnh nằm tại giường, không đi lại được thì chỉ cần cung cấp khoảng 25 kcal/kg cân nặng/ngày. Chất tinh bột và chất béo là 02 nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, vì thế cần giảm năng lượng từ 2 nguồn này so với lúc khỏe mạnh.

Trung bình mỗi ngày cần cung cấp khoảng 1200-1500 kcal cho người có cân nặng trung bình 50-55kg.

Chất đạm: Chất đạm là chất quan trọng nhất cho sự phục hồi và cải thiện sức khỏe, cung cấp đủ chất lượng và số lượng giúp giảm các tình trạng viêm nhiễm, teo cơ, suy giảm miễn dịch…Cần lựa chọn nguồn cung cấp đạm chất lượng cao, ít chất béo bão hòa, ít cholesteron.

Cần đảm bảo chất đạm 1g/kg cân nặng/ngày.Tổng lượng chất đạm cần khoảng 50-60 gr/ngày cho người có cân nặng trung bình 50-55kg.

Vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất giúp chuyển hóa các chất đa lượng, kích thích các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, bảo vệ cơ thể. Vitamin C, E có vai trò chống oxy hóa. Canxi làm ổn định huyết áp, điều hòa nhịp tim, sắt và acid folic để tạo máu. Selen chống oxi hóa…

Ngoài ra tăng cường cung cấp đủ chất xơ tạo phân giảm táo bón nếu giảm nhu động ruột và prebiotic duy trì cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do dùng thuốc kéo dài.

VD: Đối với người bệnh ăn qua sonde dạ dày ngoài 3 bữa chính là súp thì nên cho người bệnh ăn các bữa phụ (6 giờ sữa, 9 giờ bột dinh dưỡng, 12 giờ súp xay, 15 giờ súp xay, 18 giờ bột dinh dưỡng, 21 giờ sữa). Bữa phụ có thể là các loại sữa bột cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hoặc các loại nước hoa quả.

Cách chăm sóc dinh dưỡng đúng cho người đột quỵ để nhanh bình phục ảnh 1

Cách chăm sóc dinh dưỡng đúng cho người đột quỵ để nhanh bình phục

Nuôi ăn qua ống thông dạ dày đúng cách

BS Hà cho biết, nuôi dưỡng qua ống thông là một phương pháp thay thế bắt buộc cho những bệnh nhân bị đột quỵ không thể ăn qua đường miệng được, cần phải được hỗ trợ dinh dưỡng nhờ vào một ống thông để đưa thức ăn xuống tận dạ dày.

Thức ăn được chế biến để nuôi qua ống thông cần phải lỏng để chảy được qua ống và không gây tắc nghẹt ống nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, đủ vitamin, chất khoáng…

Do nhu cầu nước của người bệnh giới hạn ở mức 2-3 lít, vì vậy lượng thức ăn cho qua ống thông cũng không vượt quá thể tích này.

Loại thức ăn cho qua ống: Có thể dùng các sản phẩm chế biến công nghiệp như sữa hoặc bột dinh dưỡng cao năng lượng hoặc cũng có thể tự nấu súp xay theo hướng dẫn.

Chọn một trong các chế độ ăn qua ống như: Chế độ sữa, bột dinh dưỡng, chế độ súp xay hoặc chế độ kết hợp 2 hoặc 3 loại trên.

Để tiện lợi, kinh tế nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ta có thể chọn công thức nuôi ăn xen kẽ sữa, bột dinh dưỡng và súp xay.

Tránh dùng sữa tươi, sữa đặc có đường, sữa đậu nành…vì không đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết khi nuôi ăn qua ống. Chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp bệnh lý đặc biệt

Cách pha bột và sữa: Pha theo hướng dẫn ghi trên trên bao bì sản phẩm, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Ví dụ: Pha 230ml sữa Ensure: dùng 195ml nước ấm + 6 muỗng gạt sữa.

Pha 1 ly bột dinh dưỡng Enaz (loại bột để ăn qua ống): cho 2 gói nhỏ (25g/gói), thêm 180ml nước nóng 70 độ C khuấy đều, sau khi pha 15 phút bột sẽ tự lỏng dần.

Cách xử lý các tình huống thường gặp

Trào ngược thức ăn: Nguyên nhân cho ăn nhanh hoặc chưa tiêu hóa hết lượng thức ăn của cữ trước

Xử trí: cho ăn chậm và kiểm tra lượng thức ăn còn tồn đọng trong dạ dày trước cữ ăn, nếu còn trên 250ml thì ngưng ăn, 2 giờ sau có thể cho ăn lại với số lượng ít hơn. Giữ đầu cao 45 độ trong và sau khi ăn 30-60 phút.

Tiêu chảy: Nguyên nhân do việc chế biến và bảo quản thức ăn không đúng hướng dẫn, không dung nạp sữa, cách pha sữa, bột không đúng…

Xử trí: Nếu tiêu chảy nhẹ thì vẫn tiếp tục cho ăn, tạm thời cho ăn ít lại và kiểm tra lại các vấn đề đã nêu trên và dùng thêm các men vi sinh như: antibio, biolactyl…

Theo Đời sống
back to top