Các thủ thuật dùng nước trị bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Nước không chỉ là một chất dinh dưỡng trọng yếu duy trì mọi hoạt động mà còn là một nhân tố tham gia tích cực vào việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Tùy theo bệnh tật, y học cổ truyền phương Đông lại có cách sử dụng nước khác nhau như một phương tiện, một thứ thuốc để chữa bệnh và dưỡng sinh.

Uống nước chữa bệnh: Y học cổ truyền gọi phương pháp này là: Ẩm thủy pháp, ẩm yến pháp. Đây là phương pháp dùng các loại nước tự nhiên như nước giếng, nước suối, nước mưa... uống trực tiếp để chữa bệnh. 

Theo quan niệm của cổ nhân, nước lạnh (lãnh ẩm pháp) có khả năng điều hòa tràng vị, thanh nhiệt giải độc, trừ phiền chỉ khát; nước nóng (nhiệt ẩm pháp) có tác dụng thông dương phát hãn, ôn trung trừ hàn. Ví như, để chữa chứng trong ngực buồn phiền rạo rực, vã mồ hôi nhiều, sách “Chứng loại bản thảo” khuyên nên đào một cái hố, đổ nước vào trong, khuấy đục đợi cho nước trong trở lại, múc lên đun sôi để nguội rồi uống dần.

Ngậm nước điều hòa tỳ vị, trị bệnh tiêu hóa: Phương pháp này được gọi là: Hấp táp pháp - người bệnh ngậm một ít nước rồi từ từ nuốt xuống họng. Theo cổ nhân, phương thức này có tác dụng điều hòa tỳ vị, lợi họng giải độc thường được dùng để chữa các bệnh đường tiêu hóa, hầu họng...

Ví như, để chữa hóc xương cá, cho người bệnh uống một cốc nước rồi ngậm miệng nuốt nhanh xuống họng; để chữa chứng trong bụng ậm ạch, khó chịu về mùa hè dùng nước tương chua hòa một chút bột gừng khô, ngậm rồi nuốt dần xuống họng.

Súc miệng giải độc tránh đau răng, hầu họng: Pháp này được gọi là Hàm thấu pháp - người bệnh ngậm nước, súc miệng rồi nhổ ra, có tác dụng làm sạch khoang miệng, giải độc lợi họng, tiêu sưng giảm đau, thường dùng trong các bệnh khoang miệng. Ví như, để chữa chứng miệng hôi, hàng ngày vào buổi sáng nên ngậm và súc miệng bằng nước giếng mới đào; Để chữa chứng hư hỏa nha thống (viêm quanh răng) nên dùng nước ép địa cốt bì pha với nửa bát nước giếng và nửa bát nước sông ngậm và súc miệng.

Thụt nước giải độc, thông tiện: Phương pháp này được gọi là Thủy quán pháp. Đây là phương pháp thụt nước vào mũi miệng hoặc hậu môn, có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, nhuận họng trừ đàm, thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng thông tiện. Ví như, để chữa chứng đại tiện bí kết lâu ngày ở người già dùng nước sạch thụt vào hậu môn, nín chịu một lúc rồi đi đại tiện. 

Phun nước làm mát, giảm đau: Phương pháp này có tên Xạ lâm pháp - dùng nước phun lên toàn thân hoặc tại chỗ để trị bệnh, có tác dụng làm sạch da, khai khiếu tỉnh thần, chỉ huyết tán ứ, trừ độc khứ uế, thường dùng trong các bệnh ngoài da. Ví như, để chữa chứng tay chân sưng nề dùng nước giếng mới đào phun rửa tại chỗ sao cho da bớt nóng đỏ thì ngừng; Để chữa say nắng, đặt bệnh nhân nằm vào chỗ mát và thoáng gió, lấy nước ấm phun vào rốn.

Tưới nước chống co giật, trị sa trực tràng: Với tên gọi Tốn thủy pháp, người bệnh thường dùng pháp này để tưới lên toàn thân hoặc nơi bị bệnh. Nó có tác dụng tỉnh thần, chống co giật, thu sáp (làm co) và cầm máu. Ví như, để chữa chứng đột nhiên co giật, cửu khiếu xuất huyết, dùng nước giếng lạnh tưới phun lên mặt; Để chữa chứng sa trực tràng dùng nước lạnh tưới phun lên toàn thân gây cảm giác rét run khiến trực tràng co lên nhanh chóng

Đắp nước qua khăn trị ngất, sốt: Pháp này được gọi là Tháp tứ pháp -  dùng nước lạnh hoặc nước nóng thấm đẫm vào khăn rồi đắp lên nơi bị bệnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông lạc chỉ thống, khai khiếu tỉnh thần, thường dùng trong chữa trị trúng độc, ngất và các bệnh ngoại khoa. Ví như, chữa sốt cao dùng nước ấm thấm vào khăn đắp lên trán...

Tắm thuốc trị nhiều bệnh: Đây là phương pháp Dược dục - dùng nước có pha dịch chiết thảo dược hoặc trực tiếp dùng nước sắc thảo dược để tắm rửa toàn thân hay tại chỗ, vừa dùng tác nhân vật lý vừa lợi dụng sức thuốc để đạt mục đích trị liệu, được dùng để chữa hàng trăm chứng bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Ví như, để chữa cảm mạo có thể ngâm hai chân trong nước sắc gừng tươi; Để chữa phong thấp có thể ngâm rửa các khớp sưng đau trong nước sắc của các vị thuốc khu phong trừ thấp như ngư tất, độc hoạt, tần giao... ; Để chữa chứng mày đay có thể dùng nước sắc các vị thuốc như phòng phong, kinh giới, đơn đỏ, sà sàng tử, bạch tiên bì, khổ sâm...để tắm rửa.

Tắm suối nóng trị bệnh: Pháp này được gọi là Ôn tuyền liệu pháp là phương pháp dùng nước suối nóng để chữa bệnh. Theo cổ nhân, nước suối nóng có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng cổ động dương khí, ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết và bổ dưỡng. Đây cũng là phương pháp được y học hiện đại sử dụng rộng rãi không chỉ để trị bệnh xương khớp, ngoài da...mà còn là liệu pháp dưỡng sinh tốt cho sức khỏe.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.ƯQuân đội 108)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top