Nguyên nhân phần nhiều vì ngoại tà ôn dịch lây nhiễm, vì nội thương phế âm hư, người gầy yếu vốn đang mắc các bệnh mạn tính, dinh dưỡng kém, ăn uống không phù hợp… Đông y cho rằng, phế âm hư chủ yếu do tân dịch bị suy giảm khi nhiễm ngoại tà dễ dẫn đến ho khan, ho không có đờm, khi âm càng hư suy không chế ngự được hỏa tà mà tà hỏa càng thịnh càng gây ho, sốt. Bệnh tật phát sinh từ sự thiếu cân bằng âm dương, nếu trong cơ thể nội nhiệt "nóng" dễ gây tích nhiệt, gây viêm sưng nặng hơn. Bên cạnh dùng thuốc nên phối hợp món ăn bổ mát tiêu đàm hết nóng, giúp ức chế vi khuẩn, virus phát triển mạnh hơn. Dưới đây là một số món ăn dược thiện bổ mát, giàu vitamin, giúp chữa viêm đường hô hấp và tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Rau tần ô (cải cúc): Vị ngọt thơm, tính mát, tác dụng kiện tỳ vị, giáng hỏa, tiêu đàm, giúp chữa ho đàm ho khan, ho đàm nhiệt khó thở, viêm họng. Nấu canh với thịt cá, hoặc luộc ăn cả cái lẫn nước.
Rau má: Vị hơi đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, mát gan, thanh phế dưỡng âm giải độc, lợi tiểu, giúp chữa phế nhiệt ho khan, sốt ho viêm phế quản, viêm họng, mụn nhọt. Dùng bằng cách nấu canh với cá thịt, xay sinh tố đều tốt.
Cải canh (cải cay): Vị cay mát không độc. Tác dụng hóa đàm, thông tiếu, an tỳ thận... giúp chữa ho khan, ho đàm, ho đàm thở dốc, viêm họng phát sốt. Chế biến bằng cách nấu canh với thịt cá, luộc ăn đều tốt.
Củ cải (cải củ): Vị ngọt hơi đắng, không độc. Tác dụng long đờm, tiêu thũng, thông ứ trệ, giúp chữa ho khan, ho tức ngực sườn, bụng đầy chậm tiêu. Chế biến bằng cách hầm thịt cá, nấu canh luộc ăn.
Mướp đắng (khổ qua): Vị đắng, tính hàn không độc. Tác dụng trừ tạng nhiệt, sáng mắt, mát tim, trừ nội nhiệt, bổ hư tổn, giúp chữa ho khan, họng khô, sốt về chiều, ho tức ngực. Chế biến bằng cách nhồi thịt, nấm mèo, đậu hũ nấu canh ăn, hoặc luộc xào ăn đều tốt.
Giá đậu (Giá đậu xanh): Vị ngọt tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, tiêu độc chỉ khát, tiêu thực... giúp chữa đau họng phế nhiệt, ho khan khàn tiếng, bụng đầy, rất tốt với ai bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp, cholesterol xấu cao, viêm thanh quản, đau mỏi. Chế biến bằng cách nấu canh chua hoặc luộc, xào, ép nước uống.
Mướp hương: Vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, trừ thấp, tiêu viêm... giúp chữa phế, đại tràng, nhiệt táo, ho, viêm họng, mụn nhọt. Chế biến bằng cách nấu canh với cua hoặc thịt cá đều được.
Bí đao (bí xanh): Vị ngọt, tính hơi hàn, không độc. Tác dụng giải khát, mát tim trừ nóng nhiệt, giảm phù, thông tiểu... giúp chữa nội nhiệt tâm phế nhiệt, ho khan viêm họng, táo bón… Nấu canh cá thịt hoặc luộc ăn đều tốt.
Rau diếp: Vị ngọt hơi đắng, tính hàn, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc nhuận phế, dễ ngủ, giúp chữa ho, đau họng phát sốt, ho khan ho cơn. Ăn sống, ăn lẩu, sốt cà chua, luộc, xay sinh tố...
Lưu ý: Nếu ho khan, ho cơn, đàm vàng là phế nhiệt, phế hỏa thịnh, ngoài món ăn bài thuốc trên cần tăng cường ăn rau củ quả, nước trái cây tươi bổ mát, có thể dùng nước mía, bột sắn dây, nước mơ, dâu, sơ ri, quít, chanh, bưởi. Nên tránh món ăn khô, cay, nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào khó tiêu. Tuy nhiên sốt lâu, khí huyết đều hư, người sợ lạnh nên ăn bổ, dễ tiêu, tránh thức ăn mát, sống, lạnh, chua đắng quá, các món rau củ trên khi nấu canh, luộc cho thêm gia vị cay ấm như gừng, hành, tỏi. Nếu trẻ em, người già yếu nên ăn lỏng dễ tiêu như món cháo hầm, tốt nhất hầm đậu xanh, đậu đen; ăn canh rau ngót, khoai tím, khoai mỡ, cải soong, rau mầm... Khi ăn uống bổ dưỡng phù hợp giúp cơ thể khỏe mạnh để tăng cường miễn dịch, đồng nghĩa sức đề kháng tốt chống lại tác nhân gây bệnh.
Lương y Nguyễn Minh Phúc
nguyên PCT Hội Đông y TP Vũng Tàu