Các loại kính cho người cận thị

Các loại kính cho người cận thị có rất nhiều như kính áp tròng, kính gọng… Nhiều bệnh nhân bị cận phải đeo kính, sau một thời gian đeo kính gọng thấy bất tiện, muốn chuyển sang kính áp tròng hoặc mổ lasik, vậy phương pháp nào ưu việt hơn?

Người cận thị nên chọn kính phù hợp.

Người trưởng thành bị cận thị dưới 1 di-op thường chưa bị lệ thuộc vào kính, việc đeo kính tuỳ thuộc nhu cầu và điều kiện của mỗi người, nhưng từ 1– 2 di-op trở lên thì phải đeo kính để mắt đạt được thị lực tốt. Ngoài ra, cần đi khám thường xuyên giúp kịp thời chỉnh kính đeo mắt cho phù hợp. ThS.BS. Bùi Cẩm Hương, BV Mắt Sài Gòn cho biết, đa số người cận thị đeo kính gọng nhưng khi đeo loại kính này cần chú ý một số điểm để tránh độ cận tăng nhanh:

– Sử dụng kính đúng độ cận: Dùng kính có độ cận nhẹ quá hoặc nặng quá đều không tốt cho mắt. Để nhìn rõ, mắt phải tăng điều tiết hoặc nheo nhíu dẫn đến sự mệt mỏi về thị giác và nguy cơ tăng số nhanh.

– Chọn kính có gọng phù hợp: Gọng kính phải vừa vặn và phù hợp với khuôn mặt, không được rộng hay chật quá…Gọng kính phù hợp là khi đeo không bị quá sát gần mắt hay bị trễ xuống vì nó sẽ làm tiêu điểm quá gần hoặc xa mắt dẫn tới vật hội tụ không đúng trên võng mạc.

– Thời gian đeo kính và nghỉ ngơi xen kẽ: Người bị cận nên bố trí thời gian làm việc và cho mắt nghỉ ngơi hợp lý. Sau mỗi khoảng thời gian 30-45 thì cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhìn ra xa để mắt được thả lỏng điều tiết.

– Không thức khuya, làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng: Thức khuya khiến mắt phải làm việc kéo dài, dẫn đến giảm thị lực. Khi làm việc hay học tập trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên, tiếp xúc nhiều với máy tính hay các thiết bị điện tử…sẽ gây nhức mỏi mắt, tăng độ cận.

Đối với người cận thị đeo kính áp tròng cần lưu ý: Có hai loại kính áp tròng cứng và mềm.

Kính áp trong cứng được sử dụng trong thời gian dài, có khuôn hình nhất định, có thể khắc phục các tật khúc xạ. Kính áp tròng cứng giúp người bệnh đạt nhu cầu thẩm mỹ, ít nguy cơ tiến triển cận thị. Tuy nhiên, khi mới đeo, kính áp tròng cứng thường gây cộm cho mắt, thời gian làm quen với kính áp tròng cứng thường lâu hơn so với kính áp tròng mềm.

Đeo kính áp tròng cứng  gần giống phẫu thuật lasik. Giác mạc của chúng ta có hình chỏm cầu. Bản chất của mổ lasik là dùng tia laze bào mỏng giác mạc trung tâm, làm giác mạc dẹt hơn, công suất hội tụ giảm đi, giúp ảnh hội tụ đúng trên võng mạc. Kính áp tròng cứng có cơ chế gần giống phẫu thuật lasik nhưng do cấu tạo của kính có tác dụng gây ra 1 lực đẩy giúp các tế bào dạt ra ngoại vi, làm giác mạc trung tâm mỏng bớt….

Khi đường cong giác mạc giảm sẽ giúp bệnh nhân nhìn rõ. Kính áp tròng cứng thường được đeo ban đêm, dùng cơ học đè giác mạc xuống. Người bệnh đeo buổi tối thì sáng hôm sau mắt nhìn rõ nhưng đến cuối ngày, giác mạc sẽ dần trở về độ cong sinh lý nên nhìn mờ hơn. Muốn nhìn rõ ngày hôm sau thì buổi tối hôm trước bệnh nhân cần phải đeo kính để nén giác mạc. Kính áp tròng cứng phải đeo thường xuyên chứ không phải đeo một thời gian là hết được độ cận như nhiều người lầm tưởng.

Kính áp tròng mềm là loại kính có khuôn hình mềm mại, được dùng trong một thời gian nhất định như dùng 1 lần, dùng trong tuần, trong tháng…Do tính chất mềm mại, thuận tiện, thời trang nên kính áp tròng mềm được nhiều người sử dụng. Dùng kính áp tròng cứng hay mềm đều giúp mắt nhìn rõ chứ không chữa được tật khúc xạ của mắt.

Cũng theo Ths. BS Bùi Cẩm Hương, mắt cận thị là mắt yếu nên người bệnh cần bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý… Nên bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, B, kẽm, beta carotene, crom… Các loại dinh dưỡng này giúp tăng cường độ sáng, khỏe cho đôi mắt.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
back to top