Con chị Hồng Anh (Bát Đàn, Hà Nội) học lớp 6 nhưng đã phải đeo kính 3 điôp. Trong nhà chị không có ai bị cận mà con chị lại mắc bệnh sớm nên chị rất băn khoăn. Chị cho biết, từ bé cháu đã thích xem tivi, bật quảng cáo cháu mới chịu ăn. Lớn lên chút thì thích nghịch vi tính, điện thoại, tới năm học lớp 4 cháu đã phải đeo kính.
Gần đây nhà hàng xóm cũng có cháu bé trạc bằng con chị bị cận. Cha mẹ cháu bé này đã đưa cháu đi điều trị, luyện mắt nên không phải đeo kính, mắt cháu đã trở lại bình thường. Nghe người hàng xóm giới thiệu, chị Hồng Anh cũng đưa con đi luyện mắt nhưng tình trạng cận thị của con chị không hề suy giảm.
Lời bàn: Cận thị đang là bệnh về mắt, xảy ra phổ biến ở lứa tuổi học đường. Cận thị chia làm 2 loại: cận thị giả và cận thị thật. Cận thị giả do mắt điều tiết quá mức ở một giai đoạn khiến mắt nhìn mờ. Cận thị thật là khi người bệnh có thị lực gần tốt hơn thị lực xa, thường xuyên phải nheo mắt khi nhìn xa nếu không có kính.
Người có bệnh cận thị giả nếu không được thăm khám, chỉ đi đo mắt thông thường, dễ bị xác định là cận thị và phải đeo kính. Khi đeo kính, thị lực có thể được cải thiện nhất thời, nếu tham gia các lớp điều trị luyện mắt, kết hợp cho mắt nghỉ ngơi, uống thuốc bổ mắt, thị lực sẽ trở về bình thường.
Ở những người này, nếu không qua điều trị, tiếp tục đeo kính có thể trở thành cận thị thật hoặc rối loạn thị thực. Ngược lại, đối với người cận thị thật, việc điều trị bằng luyện mắt không có tác dụng. Để không tăng số, cần bổ sung một số vitamin tốt cho mắt kết hợp sử dụng mắt hợp lý.
Ths.BS Diệu Hương, BV Mắt Việt Nhật