Theo y học cổ truyền, cà rốt có vị ngọt hơi ấm, tác dụng bổ tỳ, trợ thận, dưỡng huyết, ích khí, cầm tả, trừ hàn thấp. Theo sách Dược tính chỉ nam “Hồ la bặc (củ cà rốt) vị ngọt tính ấm không độc, chủ trị hạ khí bổ trung tiêu, thông lợi được lồng ngực và trường vị, yên 5 tạng, ăn ngon dễ tiêu, dùng nó tăng sức khỏe không có hại”. Cà rốt có thể dùng để chữa tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, phổi yếu ho hen, thấp khớp, thống phong, vữa xơ động mạch, suy gan, yếu thận, phụ nữ nuôi con ít sữa, bệnh ngoài da.
Theo dược tính hiện đại trong 100g cà rốt có nước 85,5; protid 1,5; glucid 8,8; cellulose 1,2; chất tro 0,8; và nhiều vi lượng muối khoáng cần thiết khác. Cà rốt chứa lượng lớn caroten, vitamin A rất tốt cho sự phát triển trẻ em và người lớn. Trong 100g cà rốt ăn được cung cấp cho cơ thể 39 calo. Nhiều tài liệu gần đây đã chứng minh, cà rốt có tác dụng đào thải chất độc chống lão hoá, hạn chế phát triển của vi khuẩn có hại cho đường ruột, ngừa ung thư. Thời kỳ thuốc khan hiếm, cà rốt còn được phơi khô sử dụng thay cho vị thuốc bổ khí huyết.
Cà rốt rất giàu beta-carotene, một hợp chất mà cơ thể chuyển thành vitamin A hay còn gọi là tiền vitamin A giúp mắt khỏe mạnh. Beta-carotene giúp bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời, làm giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể cũng như các vấn đề thị lực khác. Cà rốt , chứa lutein rất tốt cho đôi mắt. Các nghiên cứu đã chỉ ra, lutein có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Cà rốt giàu chất chống oxy hóa, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do có hại trong cơ thể, làm giảm nguy cơ bị ung thư. Thêm vào đó, tất cả những chất chống oxy hóa đều tốt cho tim. Ăn 1 củ cà rốt sẽ cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hằng ngày, giúp thư giãn các mạch máu, tránh nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch sau này. Cà rốt giàu chất xơ, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cholesterol xấu. Vitamin C trong cà rốt giúp cơ thể tạo ra các kháng thể bảo vệ hệ miễn dịch, vitamin C góp phần sản xuất collagen giúp chữa lành vết thương, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Trước đây nhiều người nghĩ, ăn cà rốt rất hay táo bón nhưng nếu muốn chữa trị táo bón, chỉ cần rửa sạch cà rốt, gọt vỏ và ăn sống. Với hàm lượng chất xơ cao, cà rốt giúp điều trị táo bón hiệu quả. Trẻ em hay người lớn bị tiểu đường nên ăn cà rốt bởi chế độ ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường týp 2 hoặc giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, vitamin K, một lượng nhỏ canxi và phốt pho trong cà rốt góp phần vào sức khỏe của xương và giúp ngăn ngừa loãng xương sau này.
Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám Đa khoa Thiên Nam)