Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông) cho thấy, trong năm 2017, đơn vị đã tiến hành lấy 15 mẫu cà phê bột tại 4 huyện, thị xã trọng điểm của tỉnh Đắk Nông để phân tích hàm lượng caffeine. Kết quả phân tích cho thấy, có đến 14/15 mẫu cà phê bột không đạt hàm lượng caffeine so với tiêu chuẩn công bố chất lượng của cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 5251:2015), chiếm 93,3%.
Điều đáng lưu ý là trong 15 mẫu thì có đến 11 mẫu kém chất lượng; hàm lượng caffeine của các mẫu chỉ đạt từ 0,06% đến 0,38%. Đặc biệt, có 3 mẫu cà phê bột không phát hiện caffeine, tức không có hàm lượng cà phê. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tỉnh Đắk Nông thì mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm của cà phê là “đáng báo động”.
Cơ quan công an bắt một cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” bằng bột đậu nành và ngô trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 3 mẫu cà phê bột không có hàm lượng caffeine thì có chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra làm rõ hay không, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông và lâm thủy sản nói: “Không anh. Cái đó lâu rồi, xử lý hết rồi”. Còn theo bà Võ Thị Kim Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thì từ đó đến nay, chi cục chưa thực hiện đợt lấy mẫu cà phê nào khác.
Cà phê bột xuất hiện trên thị trường theo ông Quách Đông Nhị, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương tỉnh Đắk Nông), năm 2017,là từ nguồn tin báo của người dân, Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện xe ô con đang vận chuyển 440 gói cà phê bột (loại 500g) mang nhãn hiệu Chồn Trùng Dương đang đi giao cho các quán, đại lý nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Trên bao bì sản phẩm ghi địa chỉ sản xuất tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nên đơn vị đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk xác minh thực tế thì đây là nhà dân, không liên quan gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê bột nhãn hiệu Chồn Trùng Dương.
“Chúng tôi đã tiến hành xử phạt vi phạm phạm hành chính với số tiền 12 triệu đồng đối với người lái xe, đồng thời tịch thu tiêu hủy toàn bộ số lượng cà phê bột nói trên”, ông Nhị cho biết thêm.
Cơ quan điều tra đang làm việc với bà Loan, chủ cơ sở sản xuất “cà phê…Pin”
Trong khi đó, liên quan đến trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trong vụ lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đang có hành vi dùng dung dịch màu đen (nước trộn với bột than Pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê xuất bán ra thị trường, ông Lê Như Hiền, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ sở của bà Loan hoạt động lén lút, loại hỗn hợp bà Loan pha trộn không bán ra tại thị trường tỉnh Đắk Nông nên đơn vị không thể phát hiện.
Theo Văn Thành
(Công an nhân dân)