Lún xẹp đốt sống dễ liệt
Bà Nguyễn Thị H. (85 tuổi, Hà Nội) có nhiều bệnh nền, loãng xương nặng nhưng vẫn chăm tập thể dục. Sáng đó cụ dậy đi bộ và không may bị xe máy va phải. Cú ngã không quá nặng, nhưng sau đó cụ đau lưng nhiều không đi lại được.
Kết quả thăm khám, đốt sống của cụ bị lún và có nhiều mảnh vỡ nhỏ, nguy cơ xảy ra các biến chứng liệt, suy hô hấp và tử vong rất lớn. Vì vậy, cụ được chỉ định bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống bằng 1 kim vào thân đốt sống ngực số 6,7. Sau khi bơm 1 ngày cụ được ra viện, giảm đau gần như hoàn toàn và trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Bác sĩ dặn cụ nhớ điều trị loãng xương và tránh ngã vì chỉ ngã nhẹ là dễ gãy xương.
Ca bơm xi măng sinh học vào cột sống tại Bệnh viện E. |
ThS.BS Phạm Văn Bính, Phó Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E cho biết, lún, xẹp, phù nề thân đốt sống là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Bệnh thường gây lên triệu chứng đau lưng dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng xoay trở, vận động, đến khả năng ngồi, đứng và di chuyển. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như trượt đốt sống, gù cột sống hoặc liệt hoàn toàn.
1/3 bệnh nhân loãng xương sẽ bị lún xẹp đốt sống (LXĐS) và LXĐS đang gia tăng. Trong số bệnh nhân LXĐS có khoảng 85% trường hợp là do loãng xương nguyên phát, số còn lại là do loãng xương thứ phát hoặc các bệnh lý ác tính.
Tác hại của LXĐS do loãng xương cũng tương tự như gẫy cổ xương đùi và nó là nguyên nhân có liên quan tới 30% trường hợp tử vong ở người cao tuổi. Ngoài ra, khi một đốt sống bị xẹp, dự đoán gây mất 9% dung tích sống và đặc biệt nghiêm trọng ở những bệnh nhân có bệnh lý phổi trước đó. Đặc biệt, LXĐS vẫn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như đau mạn tính, biến dạng cột sống, thậm chí biến chứng gù vẹo cột sống, giảm chức năng thông khí phổi, giảm vận động, liệt và làm tăng nguy cơ tử vong.
Xi măng được bơm vào đốt sống. |
Phục hồi cấu trúc xương
Theo ThS Phạm Văn Bính, trước đây điều trị LXCS là bất động tại giường, dùng thuốc giảm đau và mặc áo đai cột sống. Cho tới nay, điều trị nội khoa cho LXĐS do loãng xương mới chỉ đạt hiệu quả làm giảm sự mất chất xương, tăng khối lượng xương, chưa phục hồi lại cấu trúc xương. Vì vậy, để làm tăng độ vững chắc của xương, phục hồi lại cấu trúc xương bằng bơm xi măng vào thân đốt sống bị xẹp được gọi là tạo hình đốt sống.
Kỹ thuật được áp dụng cho các trường hợp gẫy lún (xẹp, vỡ…) các đốt sống do loãng xương, do chấn thương hoặc do các bệnh lí về xương gây ra. Chống chỉ định tuyệt đối trên bệnh nhân bị rối loạn đông máu, suy hô hấp nặng, trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, viêm đĩa đệm hay viêm tủy xương, có tiền sử dị ứng với các thành phần của xi măng sinh học.
Theo ThS Phạm Văn Bính, bơm xi măng sinh học là một phương pháp điều trị có nhiều lợi thế: An toàn, giúp phục hồi chiều cao đốt sống; tình trạng đau cải thiện ngay trong vòng 24h sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, những người bệnh rất cao tuổi có thể đi lại ngay sau can thiệp, điều mà trước đó là không thể. Khi thực hiện, bệnh nhân chỉ cần gây tê, có thể tạo hình 1 hay nhiều đốt sống một lúc. Bệnh nhân không cần phẫu thuật, bằng kỹ thuật chọc kim qua da, dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng và bơm xi măng sinh học vào đốt sống bị lún xẹp, trả lại hình dáng đốt sống.
Hiện có 2 phương pháp bơm là có bóng và không bóng với chi phí khác nhau. Loại có bóng đắt hơn loại không bóng (khoảng 30 - 40 triệu có bảo hiểm). Bơm có bóng được chỉ định cho những trường hợp lún xẹp nhiều, có nguy cơ tràn xi măng ra ngoài. Loại không bóng được chỉ định cho những trường hợp lún xẹp và vỡ ít. Thời gian thực hiện khoảng 30 phút, người bệnh ra viện sau 1 ngày và có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.