Khi đến mùa xuân, những người can dương vượng rất dễ xuất hiện đau đầu, chóng mặt. Y học hiện đại cũng phát hiện thấy mùa xuân khí hậu thay đổi, dễ làm cho huyết áp dao động, tăng cao, sinh các triệu chứng đau đầu, mất ngủ... Đồng thời, với việc trị liệu tích cực, nên dùng cách bồi dưỡng bằng ăn uống để giảm tái phát.
Chuối tiêu và quýt: Mỗi ngày ăn 3 quả chuối tiêu hoặc quýt. Cũng có thể lấy 100g vỏ chối tiêu, sắc uống thay trà, uống nhiều lần. Bởi chuối tiêu sẽ cung cấp tương đối nhiều ion kali có khả năng hạ huyết áp. Vì thế, mùa xuân thường xuyên ăn những thức ăn có chứa kali như chanh, lê, đậu xanh, sẽ giúp ích cho việc phòng trị cao huyết áp.
Cà chua: Có công dụng hạ áp, thanh nhiệt và giải độc. Đây là thực phẩm rất giàu vitamin C và P. Nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1 - 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống tăng huyết áp, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Tỏi: Là một thứ thuốc diệu kỳ cho tim. Tỏi có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Hằng ngày nếu kiên trì ăn 2 tép tỏi sống hoặc uống 5ml tỏi ngâm dấm thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.
Nước cần tây: Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp. Hiệu quả thấy được trên chỉ số huyết áp sau một thời gian sử dụng ít nhất 4 cây cần tây mỗi ngày. Dùng loại càng tươi càng tốt. Lấy cần tây tươi 500g rửa sạch, chần qua nước sôi 2 phút, thái nhỏ, giã nát, dùng vải vắt lấy nước uống, mỗi lần uống 1 chén nhỏ, mỗi ngày uống 2 lần. Cũng có thể dùng 250g rau cần sắc nước uống.
Cà rốt: Có nhiều chất xơ và một phức hợp các chất có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Bạn nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống 2 lần/ngày, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Đậu xanh, đậu Hà Lan: Đây là 2 loại thực phẩm có lợi cho người tăng huyết áp. Hằng ngày nên dùng một nắm giá đậu Hà Lan rửa sạch rồi ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên. Dân gian thường dùng đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50g để phòng chống tăng huyết áp.
Cải cúc: Loại rau này chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và hạ huyết áp. Bạn nên nấu canh hoặc ép lấy nước uống mỗi ngày chừng 50ml, chia 2 lần sáng chiều. Đặc biệt, cải cúc thích hợp với những người bị cao huyết áp có kèm theo đau và nặng đầu.
Sữa đậu nành: Với công dụng hạ huyết áp, điều chỉnh tình trạng rối loạn lipid máu và phòng xơ vữa động mạch, sữa đậu nành là đồ uống lý tưởng cho người bị cao huyết áp. Mỗi ngày nên dùng 1.000ml sữa đậu nành pha với 100g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
Tăng rau xanh: Ăn tăng thêm lượng rau xanh, trái cây như: dưa chuột, rau cần, hành tây, cải trắng và củ cải... không những tốt cho hệ tiêu hóa mà dùng lâu dài còn giúp giảm được cholesterol trong máu, vừa bổ sung thêm các loại vitamin, lòng mạch thông thoáng, giảm nguy cơ bị mỡ máu, xơ vữa động mạch.
Đặc biệt, là những loại rau xanh giàu kali như rau diếp cá, xà lách, cải xoăn, cải xanh, cải rổ, rau chân vịt... sẽ giúp cơ thể bạn đạt tỷ lệ kali cao hơn so với natri, vì vậy giúp trung hòa natri trong cơ thể. Điều này cho phép cơ thể loại bỏ được natri trong thận thông qua đường nước tiểu, vì vậy mà huyết áp sẽ hạ. Nên chọn những loại rau tươi xanh vì các loại rau quả đóng hộp thường có thêm natri.
Quả mọng: Các loại quả mọng, đặc biệt là việt quất dồi dào một hợp chất tự nhiên có tên là flavonoids. Một nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ hợp chất flavonoids có thể ngăn ngừa huyết áp cao và hạ huyết áp. Các loại quả mọng như quả mâm xôi, quả dâu tây... rất tốt để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)