Trong thân và lá của rau dừa nước có chứa một số hoạt chất như tanin giúp hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng, tán ứ. Flavon có tác dụng kháng viêm, thông tiểu, chữa đau dạ dày, tác dụng chống loét. Cây rau chứa vitamin C, protid, glucid, chất tro, chất xơ, photpho, canxi, carotene, nhiều muối Na, K, sắt.
Rau dừa nước có tác dụng trên một số bệnh như tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, ít, tiểu ra máu, ho khan, nóng sốt, phù thũng, phát ban nổi sởi, mề đay mẩn ngứa, dị ứng do thời tiết, mụn nhọt. Một số địa phương, nhân dân dùng sắc uống chữa sốt, lỵ ra máu, dùng ngoài chữa rắn cắn, bỏng. Chữa trẻ em đầu sài lở lấy cây tươi giã vắt nước cốt trộn với dầu mè đắp ngoài. Chữa sốt lên ban sởi dùng rau dừa nước, kinh giới, rau ngò rí tươi mỗi vị 40 - 60g, gừng tươi 3 lát sắc uống ngày vài lần. Chữa tiểu buốt gắt, tiểu ra máu, dùng 200g rau dừa nước sắc uống. Chữa viêm cầu thận lấy rau dừa nước, mã đề mỗi vị 50 - 100g sắc uống. Rau dừa nước còn chữa huyết áp cao kèm chân phù, tiểu ít rất hiệu nghiệm, cách dùng đơn giản là sắc uống. Để chữa u xơ tiền liệt tuyến lấy rau dừa nước phơi khô, hoàng kỳ, cỏ xước, thương nhĩ, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, trần bì phơi khô sắc uống. Để chữa sỏi thận lấy rau dừa nước, ngò om (rau ngổ) mỗi loại 100 g sắc thành nước uống 3 lần trong ngày, uống nhiều ngày liên tiếp để làm tan sỏi.
Lương y Hoàng Tuyển (TPHCM)