Bọc răng sứ thẩm mỹ, dễ rước bệnh vào thân

Nhiều người đã phải trả giá đắt khi làm thẩm mỹ răng. Có rất nhiều biến chứng có thể gặp nhất là khi làm sai kỹ thuật. Vậy phải phòng tránh các biến chứng này như thế nào?

“Chỉ một thời gian ngắn sau bọc răng sứ sẽ có hàm răng đẹp theo ý muốn. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, có thể gặp 1 số rủi ro như hôi miệng, viêm tủy không hồi phục, viêm quanh cuống cấp, nguy hiểm nhất là nang xương hàm...”, BSCKI Lê Thị Hà, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Bắc Giang cảnh báo.

Mang bệnh sau bọc răng thẩm mỹ

Bệnh nhân N.T.H (36 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang) phát hiện khối sưng cục không đau, vùng răng cửa hàm trên. Sau khi được thăm khám và chụp x-quang phát hiện vùng răng cửa hàm trên có khối phồng kích thước 3x2cm, sờ căng tức, có dấu hiệu bóng nhựa, răng giả từ răng 14-24 (8 chiếc răng). Bệnh nhân được chẩn đoán nang xương hàm và phải phẫu thuật cắt nang răng vùng cửa hàm trên.

BSCKI Lê Thị Hà, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bắc Giang cho biết, bệnh nhân H chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị biến chứng do bọc răng sứ thẩm mỹ. Nhẹ thì hôi miệng, lộ chân răng, viêm quanh cuống..., nặng thì viêm tủy không hồi phục và nguy hiểm nhất là nang xương hàm.

Khảo sát của PV Khoa học & Đời sống tại bệnh viện Răng Hàm mặt TW cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân tai biến sau bọc răng sứ. Trong đó, những tai biến thường gặp nhất là các bệnh lý về tủy răng, nha chu, viêm lợi, lệch khớp cắn... Đặc biệt, bệnh viện phải cắt xương hàm một đoạn cho các bệnh nhân bị biến chứng viêm tủy răng, nguyên nhân gián tiếp từ việc bọc răng thẩm mỹ gây nên.

Trong khi đó, tại bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị viêm xương hàm do răng. Theo BSCK II. Đỗ Tuấn Hùng Khoa Tai Mũi Họng, BV Bạch Mai, viêm xoang hàm do răng là viêm niêm mạc xoang hàm do các nhiễm trùng xuất phát từ các ổ viêm vùng cuống răng.

Bệnh chiếm tỷ lệ 10-12% các trường hợp viêm xoang hàm nói chung. Ngày nay, bệnh có xu hướng gia tăng do các phẫu thuật, thủ thuật răng miệng như cấy ghép, phục hình, nhổ răng, ...

Bệnh gặp nhiều nhất trong giai đoạn 41- 60 tuổi, nam thường gặp nhiều hơn nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm xoang hàm do răng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tấy hoặc áp xe hốc mắt, cốt tủy viêm xương hàm trên,…

Biến chứng thường gặp sau bọc răng sứ

Răng bị ê buốt và trở nên nhạy cảm hơn: Do răng thật đã bị tổn thương đến ngà răng và tủy răng.

Hở cổ chân răng: Phần nướu quanh chân răng sứ bị chảy xệ, làm hở cổ chân răng thì chắc chắn răng sứ đã bọc sai kỹ thuật. Biến chứng này khiến thức ăn mắc dính, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây nhiều bệnh lý răng miệng khác.

Tụt lợi: Việc gắn mão răng sứ không đúng cách, phần sứ có cấu trúc không khớp với chân răng, bị kênh cộm trong thời gian dài làm tổn thương đến nướu răng, nghiêm trọng hơn là làm tụt nướu, tụt lợi.

Hoại tử tủy răng: Nếu trước khi bọc răng sứ không điều trị triệt để bệnh lý sâu răng, viêm tủy thì rất dễ gặp phải tình trạng hoại tử tủy răng. Biến chứng này gây nhiều nguy hại cho răng miệng như liên dây thần kinh, giật khớp hàm và thậm chí phải nhổ bỏ răng thật.

Lệch khớp cắn: Làm sai lệch tương quan giữa hàm trên và hàm dưới. Đây là biến chứng khá nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến ăn nhai, phát âm và thậm chí làm giảm thẩm mỹ khuôn mặt.

Kỹ thuật sai, hại người bệnh

TS.BS Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt TW cho biết, không thể phủ nhận lợi ích của bọc răng sứ về tính thẩm mỹ, giúp răng trắng sáng, đều, thậm chí có tác dụng bảo vệ hàm răng trong một số trường hợp như: Răng thưa, răng sâu đã được xử lý.

Bọc răng sứ thẩm mỹ.... cẩn thận mang bệnh

Bọc răng sứ thẩm mỹ.... cẩn thận mang bệnh

Tuy nhiên, bọc răng sứ vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe nên người có nhu cầu cần cân nhắc kỹ và các nha sĩ cũng phải giải thích rõ những biến chứng có thể gặp khi thực hiện thủ thuật nha khoa này cho bệnh nhân.

Ngoài ra, tình trạng này diễn ra còn do nguyên vật liệu, nguồn gốc sứ kém chất lượng, vệ sinh răng miệng kém, sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá, thuốc lào,…)

Bọc răng sứ ở những cơ sở nha khoa không uy tín, bệnh nhân sẽ đối mặt với các nguy cơ như độ bền, đẹp, tự nhiên của răng không cao, nứt gãy răng, đổi màu tự nhiên, viêm nướu, tụt nướu, hôi miệng, chết tủy răng, viêm gây đau nhức đến răng lành bên cạnh.

TS.BS Hà phân tích, tai biến do bọc răng sứ thường xảy ra khi kỹ thuật làm không tốt, chỉ định sai như răng hô, móm, lệch lạc vẫn mài bằng để bọc sứ để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Hoặc tổn thương tủy răng thường do việc mài răng “quá đà” gây nên. Thực tế, các bác sĩ thường có thiên hướng mài răng càng nhiều, càng tốt để lắp răng sứ cho đẹp. Nếu trường hợp bệnh nhân không may mắn răng chết tủy không biết thì tổn thương còn trầm trọng, gây viêm xương hàm do gián tiếp từ việc bọc răng sứ gây viêm tủy và ảnh hưởng nghiêm trọng tới xương hàm.

Thứ hai, ảnh hưởng tới khớp cắn. Thứ ba, ảnh hưởng tổ chức nha chu, vì mối nối giữa răng cũ và răng bọc không khít tạo “lỗ hổng” là nơi thức ăn đọng lại, phân hủy tạo vi khuẩn sản sinh ra axit và tạo ra các tổ chức viêm nha chu. Đáng lưu ý, với những người lợi bị viêm nếu thực hiện bọc răng sứ thẩm mỹ sẽ làm nặng thêm tình trạng nha chu...

Vì vậy, TS.BS Hà khuyến cáo, trước khi quyết định bọc răng sứ, bệnh nhân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn… Sau khi thực hiện bọc răng sứ cũng cần lưu ý giữ gìn và khám định kỳ, sàng lọc nguy cơ 6 tháng, 1 năm/lần đề phòng ngừa biến chứng sau bọc răng sứ có thể xảy đến.

“Sau khi bọc răng, nếu thấy có dấu hiệu bất thường người bệnh cần thăm khám bác sĩ kịp thời để phát hiện sớm những biến chứng, tránh để lâu bệnh nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe”, BSCKI Lê Thị Hà nhấn mạnh.

Cách tránh biến chứng khi thẩm mỹ răng:

- Chỉ thực hiện bọc răng sứ khi thật sự cần thiết

- Lựa chọn nha khoa uy tín, chất lượng: Các yếu tố như tay nghề bác sĩ, thiết bị nha khoa và vật liệu răng sứ quyết định phần lớn đến kết quả sau làm răng sứ. Do đó, cần lựa chọn một địa chỉ bọc răng sứ uy tín đảm bảo chất lượng cao để bọc răng sứ an toàn và hạn chế rủi ro xuống mức tối thiểu.

- Chăm sóc răng sứ đúng cách: Lưu ý đến việc chải răng, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng, lựa chọn loại bàn chải lông mềm và chọn kem đánh răng phù hợp để tăng tuổi thọ cho răng sứ.

- Thăm khám định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Bệnh nhân sẽ được lấy cao răng để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng, đồng thời kiểm tra tình trạng hiện tại của răng sứ và có những điều chỉnh kịp thời.

Theo Đời sống
back to top