Theo bà Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành viên nhóm nghiên cứu, tổng số 3.960 trẻ đang học từ lớp 1 - 3 (6 - 9 tuổi) tại 8 trường tiểu học được mời tham gia đánh giá nhân trắc và lấy máu xét nghiệm. Toàn bộ trẻ được tẩy giun bằng Albendazole (400mg) trước khi bắt đầu can thiệp và sau 3 tháng can thiệp. Trẻ được giáo viên bổ sung 1 viên đa vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất hoặc viên giả dược) vào mỗi buổi sáng sau khi đến trường (tổng cộng 110 ngày). Mỗi viên đa vi chất bao gồm 15 loại vitamin và khoáng chất trong đó có 10mg sắt, 10mg kẽm, 400µg vitamin A. Viên đa vi chất được sản xuất, kiểm định trước khi chuyển tới các trường để bổ sung cho trẻ. Viên giả dược chỉ bao gồm lactose và magnesium stearate. Viên đa vi chất và giả dược được sản xuất cùng màu sắc, mùi vị và quy cách đóng gói.
Tỷ lệ trẻ tham gia nghiên tương đối đồng đều về giới. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân, thấp còi và không đạt chuẩn nhân trắc lần lượt là 8,0%, 5,1%, 5,3% và 11,9% nhưng tỷ lệ thừa cân- béo phì là 22,1%. Các phân tích hồi quy cho thấy, SDD thể nhẹ cân có liên quan tới trình độ học vấn của bà mẹ. Trẻ là con của bà mẹ có trình độ cấp 3, hoặc dưới cấp 3 có nguy cơ bị nhẹ cân lần lượt gấp 1,69 và 3,6 lần so với trẻ của các bà mẹ có trình độ trên cấp 3. Ngược lại, trẻ là con của của bà mẹ có trình độ cấp 3, hoặc dưới cấp 3 có nguy cơ bị thừa cân- béo phì thấp hơn lần lượt 41% và 63% so với trẻ của các bà mẹ có trình độ trên cấp 3. Trẻ trai có nguy cơ thừa cân- béo phì cao gấp 2,04 lần so với trẻ gái. Các thể SDD khác không cho kết quả liên quan có ý nghĩa thống kê với các yếu tố nhân khẩu học.
Nhóm nghiên cứu xác định, bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hằng ngày tại trường học được thực hiện đối với trẻ từ 6 - 9 tuổi ở các nhóm suy dinh dưỡng, cân nặng bình thường và thừa cân béo phì trong 22 tuần. Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân, thấp còi không đạt chuẩn nhân trắc và thừa cân- béo phì ở học sinh tiểu học tham gia nghiên cứu lần lượt là 8,0%, 5,1%, 11,9% và 22,1%. SDD các thể và thừa cân- béo phì ở trẻ có liên quan có ý nghĩa thống kê với trình độ học vấn của bà mẹ. Trẻ trai có nguy cơ bị thừa cân- béo phì cao hơn trẻ gái. Việc bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày cho học sinh tiểu học tại trường trong 22 tuần không có tác dụng cải thiện về cân nặng, chiều cao, nồng độ Hb máu… nhưng cải thiện có ý nghĩa thống kê nồng độ ferritin, kẽm và retinol huyết thanh ở cả nhóm trẻ SDD và thừa cân- béo phì. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng ở trường học vì thế, có thể là một giải pháp hiệu quả để cải thiện sức khỏe, góp phần giải quyết gánh nặng dinh dưỡng kép cho học sinh tiểu học.