Suy dinh dưỡng nặng cấp tính nên coi là bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD 11) của Tổ chức Y tế thế giới, phần các bệnh về chuyển hóa, dinh dưỡng và nội tiết. Suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được.

Ngày 15/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ tổ chức hội thảo: "Góp ý về quy định khám và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi". Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng do suy dinh dưỡng gây ra. Vấn đề của trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính sẽ làm chậm tiến bộ trong việc giảm tử vong ở trẻ trong khi đó, các dịch vụ điều trị suy dinh dưỡng cấp tính hiện nay đã được thử nghiệm thành công tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để thực hiện dịch vụ này.

Theo bà Đỗ Hồng Phương, đại diện UNICEF tại Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về trẻ em suy dinh dưỡng nặng, tỷ lệ này cao hơn cả các nước châu Phi. Ở Việt Nam,  trẻ từ 0 - 5 tháng tuổi suy dinh dưỡng  nặng chiếm trên 40% mà suy dinh dưỡng nặng dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng nặng cấp tính làm nguy cơ tử vong ở trẻ tăng 20 lần. Trẻ suy dinh dưỡng nặng gây tổn thất cho gia đình và quốc gia. Suy dinh dưỡng có liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời, làm tăng trưởng kinh tế giảm ít nhất 8%.

Nhận thức được tầm quan trọng này, theo các chuyên gia, nên coi suy dinh dưỡng nặng cấp tính là một bệnh, được đưa vào luật Khám chữa bệnh và các chế phẩm dinh dưỡng đặc trị để điều trị suy dinh dưỡng nặng được coi là loại thuốc được sử dụng theo kê đơn của bác sĩ. Giải quyết được suy dinh dưỡng cấp tính nặng là góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và tử vong ở trẻ, gia tăng năng suất lao động và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo Đời sống
back to top