Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ thấp còi

Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi được coi là trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển, ảnh hưởng tới 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2016, tỷ lệ trẻ SDD thấp còi đang ở mức 24,3% nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị SDD thấp còi.

1000 ngày đầu đời quan trọng với trẻ

Hầu hết các trường hợp SDD thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi, là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo trong 1000 ngày đầu đời. Thiếu ăn, đói nghèo, bệnh tật là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra SDD thấp còi.

Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống SDD thấp còi cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội”: từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

Trẻ em  có khả năng đạt được chiều cao tối đa theo tiềm năng nếu được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, hưởng các dịch vụ  về y tế, dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách.

Sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền và các yếu tố môi trường khác như dinh dưỡng, bệnh tật, trong đó dinh dưỡng được coi là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất. Ước tính chiều cao của trẻ khi trưởng thành sẽ tăng thêm trung bình khoảng 77 cm tính từ  khi chiều cao của  trẻ 3 tuổi.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ mang thai đến khi bé 24 tháng tuổi – tròn 2 tuổi) được coi là giai đoạn lập trình cho sự tăng trưởng và phát triển sau này của trẻ. Tăng cường dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những can thiệp có tác động tích cực đến chiều cao của trẻ.

Đối với những trẻ bị SDD, việc bổ sung vitamin A, sắt, acid folic, kẽm, iốt, canxi, đa vi chất có thể coi là hiệu quả giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.

Dinh dưỡng bà mẹ  ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi

Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ làm hạn chế tăng trưởng của thai nhi, do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Người mẹ thấp còi  khi có thai làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân, thấp còi và sẩy thai.

Tình trạng phát triển của thai nhi gắn liền với dinh dưỡng của người mẹ và trọng lượng sơ sinh thấp là một yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất và nhận thức của trẻ.

Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ sơ sinh, với công thức độc đáo, cân bằng về dinh dưỡng cần thiết cho chức năng tế bào tối ưu và tăng trưởng.

Hơn nữa, thành phần các chất dinh dưỡng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ phát triển của trẻ. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Cách phát hiện trẻ SDD thấp còi

 Để xác định được trẻ có phải là SDD thấp còi hay không cần đo chiều dài nằm/chiều cao đứng của trẻ và sử dụng chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đo chiều dài nằm với trẻ dưới 24 tháng tuổi và đo chiều cao đứng với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, kết quả đo được  so sánh với chuẩn tăng trưởng của WHO theo từng lứa tuổi (tính theo tháng).

Trẻ SDD thể thấp còi khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi, cùng giới (dưới ngưỡng -2SD).

Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân, đo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ: trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo 1 tháng/lần, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể cân đo 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện trẻ bị SDD cần cân, đo 1 tháng/lần.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ  SDD thấp còi

Trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thấp canxi (không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ…), dùng muối iốt trong chế biến thức ăn.

Trẻ cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ  đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ: bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6– 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12– 59 tháng tuổi.

Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá…

Tăng đậm độ năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu/mỡ,  bằng giá đỗ hoặc men enzyme, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin. Cần ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua, nấu nhừ để ăn cả vỏ, xương sẽ hấp thu được nhiều canxi.

Ths.Bs. Ngô Thị Hà Phương

Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng

Theo Đời sống
Bị gián chui vào tai do thói quen... nằm dưới sàn

Bị gián chui vào tai do thói quen... nằm dưới sàn

Trong lúc ngủ, bà V.T.H., 54 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) hoảng hốt vì nghe tiếng sột soạt kèm cảm giác đau nhói trong tai, khi khám bất ngờ phát hiện một con côn trùng với chân đầy gai nhọn bên trong.
back to top