Bố mẹ không nói chuyện được với con cái là thất bại giáo dục gia đình

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bố mẹ không nói chuyện được với con cái mình đồng nghĩa với sự thất bại của giáo dục gia đình.

Thất bại của gia đình chính là thất bại của xã hội

Những vụ việc liên quan tới bạo lực học đường, thanh thiếu niên phạm tội trong thời gian qua và vẫn tiếp tục diễn ra đã làm nảy ra cuộc tranh luận, nguyên nhân xuất phát từ đâu? Từ giáo dục nhà trường hay giáo dục gia đình?

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam khi phân tích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó đã đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của gia đình.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các học sinh, sinh viên sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống đó là từ phía gia đình.

Gia đình đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường. Cũng có gia đình khi biết con cái mắc các khuyết điểm về đạo đức, đã chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo để con nhận ra điều hay lẽ phải và tự sửa.

Cụ thể, có gia đình bố mẹ lục đục cãi cọ, mạt sát nhau, anh chị em mâu thuẫn đánh chửi nhau. Con cái vì thế ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mang cái không khí vô đạo đức của chính gia đình mình vào lớp học vào trường học và thực hiện với bạn bè. Cho nên, giải pháp quan trọng đầu tiên cũng liên quan đến trách nhiệm của gia đình.

“Tôi phải nhấn mạnh điều này trước tiên, chứ không phải là trước tiên là trách nhiệm của nhà trường mặc dầu yếu tố nhà trường rất quan trọng và theo thói quen từ xưa tới nay ta vẫn hay nói theo thứ tự: nhà trường - gia đình - xã hội”, ông Phú nói.

Ông Phú phân tích, con cái chúng ta hàng ngày nếu không tính thời gian ngủ (là lúc các em ở trong gia đình của mình rồi) thì cũng vẫn còn một nửa thời gian trong ngày các em ở nhà, sinh hoạt tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Cho nên, việc gia đình bỏ trách nhiệm giáo dục con, giao phó hoàn toàn việc giáo dục con cho nhà trường là không thể được.

Thay vào đó, trong gia đình, đặc biệt là các bậc bố mẹ phải biết giáo dục trẻ, phải quan tâm đến con em của mình.

Rộng hơn trong gia đình các thành viên trong gia đình phải biết giáo dục lẫn nhau. Tất cả phải có ý thức chung về việc này phải có kế hoạch và phải biết sắp đặt việc này phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của gia đình mình.

Cần phải ý thức rõ gia đình là một xã hội thu nhỏ, gia đình không phát triển được thì xã hội cũng không phát triển được.

Thất bại của gia đình cũng chính là thất bại của xã hội, nếu gia đình nào không giáo dục con và không biết cách giáo dục con thành người và chẳng may con hư hỏng thì bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã mang trọng tội với xã hội.

Cụ thể, trong gia đình, bố mẹ phải hiểu con, hiểu được bạn bè của con, nói chuyện được với con. Bố mẹ phải làm sao trở thành bạn của con để con thoải mái bộc bạch các tâm tư nguyện vọng của mình, qua đó tìm cách lựa lời đưa đến cho con các suy nghĩ và hành động đúng.

Anh chị em trong nhà cũng phải hiểu nhau, nói chuyện được với nhau. Điều này, nói ra rất đơn giản mang tính lý thuyết muôn thuở, nhưng làm được rất khó và trên thực tế không phải gia đình nào cũng làm được.

“Tại sao bố mẹ không nắm được tâm tư của con cái? Tại sao con cái không thích đi chơi với bố mẹ? Tại sao con cái không thích nói chuyện với bố mẹ? Tại sao bố hoặc mẹ không thể nói chuyện được với con?  

Tại sao anh chị em và những người thân trong gia đình lại xa cách nhau không hiểu nhau không nói chuyện được với nhau?

Về mặt tâm lý học một khi bố hoặc mẹ hoặc những người thân trong gia đình không nói chuyện được với con cái mình anh chị em của mình thì điều đó cũng đồng nghĩa với sự thất bại của giáo dục gia đình đối với con trẻ”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú.

Giáo viên bộ môn GDCD phải thường xuyên liên hệ với gia đình

Ông Đào Đức Doãn, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân 2018 cũng đã nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục gia đình khi nói về phương pháp giáo dục.

“Sự kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội là phương pháp giáo dục phù hợp với đặc trưng của môn Giáo dục công dân.

Vì dạy học môn Giáo dục công dân nhằm hình thành phát triển cho học sinh tình cảm niềm tin nhận thức cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật trong quan hệ với bản thân, với người khác, với gia đình với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên”, ông Doãn phân tích.

Để kết hợp giáo dục gia đình trong dạy học môn giáo dục công dân, theo ông Doãn, giáo viên môn học cần chú trọng lựa chọn bổ sung nội dung dạy học và tổ chức các hoạt động học tập để học sinh liên hệ vận dụng kiến thức đã học và xử lý các tình huống thường gặp trong gia đình, xã hội.

Phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở ngoài lớp học trường học giúp cho các hoạt động của các học sinh được diễn ra an toàn và đạt hiệu quả giáo dục.

Kết hợp với gia đình và các tổ chức xã hội trong đánh giá kết quả giáo dục, đặc biệt là đánh giá thường xuyên và cả quá trình để bảo đảm đánh giá chính xác mức độ học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực.

Đánh giá chính xác sự tiến bộ của học sinh thông qua đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh.

Giáo viên môn học phải thường xuyên liên hệ với gia gia đình và các tổ chức xã hội trong việc quản lý giáo dục học sinh. Phải thiết kế được mẫu phiếu nhận xét thái độ hành vi của học sinh trong tham gia các hoạt động học tập sinh hoạt ở lớp ở nhà phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, đảm bảo tính giáo dục.

Như vậy, những kiến thức giáo dục đạo đức không khô khan, “chết cứng” trong bài giảng, mà buộc học sinh phải biết vận dụng. Và gia đình cũng là một trong những thang đo để đánh giá mức độ hoàn thành môn học của học sinh.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top