Bị thủy đậu, làm thế nào để không bị sẹo?

Thủy đậu là một loại bệnh phổ biến và rất dễ mắc phải ở trẻ nhỏ và người lớn, biến chứng bệnh rất nặng. Nếu chăm sóc không đúng các mụn nước sẽ có thể viêm da bội nhiễm, để lại sẹo lõm trên da, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân và lây lan của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh trái rạ, thường xảy ra và bùng phát khi thời tiết ấm áp.

Nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu là virus Varicella zoster, thuộc họ Herpes Virus, có đặc tính hướng da và niêm mạc nên khi phát bệnh, người bệnh thường có những nốt mụn nước ở các tổ chức này.

Ở người bình thường sau khi mắc bệnh thủy đậu thì cơ thể sẽ có miễn dịch trọn đời chống lại bệnh và không mắc bệnh thủy đậu lần 2. Đối với một số trường hợp có hệ miễn dịch yếu thì virus thủy đậu sẽ được tái kích hoạt, do đó bệnh thủy đậu có thể tái phát dưới dạng bệnh Zona (zona thần kinh).

Bệnh lây lan rất nhanh qua 3 con đường chính:

Lây qua tiếp xúc trực tiếp với các nốt ban ngứa của người mắc thủy đậu.

Lây theo đường không khí qua dịch các nốt ban hoặc dịch hô hấp của người bệnh.

Lây lan gián tiếp qua tiếp xúc với các đồ vật dính dịch nốt ban hoặc dịch hô hấp của người bệnh (các đồ vật nhiễm virus).

Ngoài ra, khi người bệnh đi tiểu tiện làm nước tiểu bám lên thành bồn vệ sinh cũng có thể gây nhiễm cho những người tiếp xúc với nước tiểu đó.

Bệnh có thể lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các nốt ban cho đến khi các nốt ban đóng vảy hoàn toàn. Khoảng 90% người chưa từng mắc thủy đậu sẽ phát bệnh sau khi tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân.

Thủy đậu có để lại sẹo không?

Một trong những di chứng của bệnh thủy đậu là để lại sẹo. Các nốt mụn nước thủy đậu thường tập trung nhiều ở các vùng mặt, chân, tay, lưng, ngực... Những ngày đầu thường tạo cảm giác rát, ngứa nhiều, sau dần thì khô lại, tạo vảy và bong ra, để lại nhiều vết thâm trên làn da.

Một số trường hợp do không kiêng cữ đúng cách cũng như sử dụng các thực phẩm ăn hàng ngày dễ gây sẹo trong quá trình bệnh làm tình trạng làn da trở nên nghiêm trọng.

Có không ít trường hợp da bị sẹo lồi, sẹo lõm trên khắp cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, gây ra nhiều mặc cảm, tự ti cho người bệnh trong cuộc sống về sau.

Cần làm gì để tránh để lại sẹo?

Cần tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ

Người bị thủy đậu không cần kiêng nước, thậm chí cần cần tắm rửa, vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ trên da gây nhiễm trùng da. Khi tắm rửa, vệ sinh hạn chế dùng xà phòng chà xát lên vết mụn nên lau người bằng nước ấm, lau nhẹ, chỉ đến khi các nốt mủ bong vảy mới nên tắm bằng xà phòng.

Khi các nốt mụn khô và bong vẩy nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kem trị sẹo để hạn chế và cải thiện sẹo tốt nhất, bởi đây là khi sẹo mới hình thành rất dễ chữa trị. Việc chăm sóc và thoa kem đúng cách sẽ cải thiện gần như 100% sẹo nếu chúng chỉ ở mức độ nhẹ.

Đối với trẻ em, các mẹ tuyệt đối không được tự ý tắm cho trẻ bằng các loại nước lá, rễ cây mà không qua ý kiến của bác sĩ.

Lưu ý, khi tắm rửa, vệ sinh cơ thể cần thao tác nhẹ nhàng, không chà xát làm vỡ các bọc mụn ra dễ gây nhiễm trùng và bệnh tình nặng hơn.

Không được nặn, cạy, gãi làm vỡ các nốt mụn

Người bị bệnh thủy đậu tuyệt đối không được nặn, cạy làm vỡ các nốt mụn mà phải để chúng tự khô và bong vảy. Việc tác động vào có thể khiến cho vùng da có mụn bị tổn thương nặng hơn làm quá trình hồi phục khó và lâu hơn, thậm chí làm nặng hơn tình trạng sẹo.

Hạn chế ở nơi nhiều gió, cần giữ ấm cơ thể

Để tránh mắc các bệnh cơ hội khác (vì lúc này sức đề kháng của cơ thể kém). Tuy nhiên bệnh nhân cần được ở nơi thoáng, không bí bách, trời nóng thì phải bật quạt để tránh ra nhiều mồ hôi gây viêm nhiễm.

Chú ý về ăn uống

Người mắc thủy đậu nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, tính nóng cao và quá bổ dưỡng. Vì các thực phẩm này thúc đẩy quá trình tiết nhờn của da, virus phát triển mạnh và gây ra càng nhiều nốt mụn, nhờn tích tụ làm vi khuẩn phát triển, sẹo khó lành và có thể gây viêm da trầm trọng.

Ngoài ra người bệnh nếu bị nổi mụn trong xoang miệng thì nên hạn chế ăn đồ cay nóng.

Người bị thủy đậu nên dùng thức ăn thanh đạm, đầy đủ các chất dinh dưỡng và dưới dạng thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như: cháo đậu xanh, cháo củ năng-ý dĩ, cháo gạo lứt, cháo kim ngân hoa, cháo tiểu mạch, cháo miến đậu xanh, măng tây, trứng, chuối, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao, rau bồ ngót, rau sam, rau má, mướp đắng, rau dền, cải thảo, cải bắp, rau diếp, ngải cứu... Đặc biệt nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Vitamin C có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình sản sinh ra collagen, phòng ngừa sẹo lõm.

Theo Đời sống
back to top