Ngày 3/4, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu trên địa bàn TP tăng cao. Đặc biệt, ghi nhận các chùm ca bệnh, ổ dịch trong trường học.
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, virus Varicella Zoster có khả năng sống được vài ngày. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (chảy mũi) hoặc ho làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông, đầu mùa xuân và có khả năng bùng phát thành dịch. Đây là một loại bệnh được các chuyên gia ý tế đưa ra là loại bệnh nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Chia sẻ trên Sức khỏe và đời sống, TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt 1 – Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là bỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bán rau khi mang thai hoặc trẻ mắc do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.
BS Nga chia sẻ thêm, trẻ em mắc thủy đậu, đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao, lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Trẻ nhiễm thủy đậu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn. Đồng thời có thể để lại các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hay một vài biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.
TS. BS Nga cho hay, việc chẩn đoán thủy đậu ở trẻ có thể dựa vào biểu hiện lâm sàng với biểu hiện đặc trưng là các tổn thương mụn nước trên da. Chẩn đoán xác định bằng cách phát hiện virus thủy đậu trong dịch nốt phỏng, trong mảnh sinh thiết mô và hay trong dịch não tủy bằng phương pháp PCR.
Để phòng tránh được thủy đậu, cách phòng chống hiệu quả nhất là đi tiêm vaccine phòng ngừa loại bệnh này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên báo Kinh tế đô thị, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân tiêm vaccine phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng của thủy đậu.
Trên Thực tế, nhiều trường hợp đã tiêm vaccine từ rất lâu và có sức đề kháng kém cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do thủy đậu rất dễ lây khi tiếp xúc qua giọt bắn, nhất là trong các không gian hẹp như lớp học mẫu giáo, tiểu học khi trẻ nhỏ chơi đùa, tiếp xúc với nhau.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên trẻ em từ 12-18 cần tiêm vaccine phòng bệnh. Trẻ từ 19 tháng đến 13 tuổi chưa tiêm vaccine hay chưa từng mắc thủy đậu cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh.
Cũng trên báo này, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thủy đậu nằm trong số các bệnh truyền nhiễm nên có khả năng lây lan từ người này qua người khác. Vì thế, người dân cần phải biết thủy đậu lây qua đường nào để có biện pháp phòng tránh phù hợp. Bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp để không bị lây lan.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên chữa trị tại nhà cho trẻ khi nhiễm bệnh mà hãy đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán. Mặc dù bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần. Thế nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ gây nên nhiều biến chứng như nhiễm trùng da nơi mụn nước, hay gây nhiễm trùng máu do vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu.
Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, độ ẩm cao với nền nhiệt thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu bùng phát. Đặc biệt, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện do vậy trẻ rất dễ mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ cần bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Trong thời gian gần đây Hà Nội liên tục ghi nhận các ca mắc thủy đậu trong thành phố, có nơi số ca bệnh đã lên đến thành ổ dịch như ở một số các trường mầm non.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện đã xuất hiện thêm các chùm ca bệnh thủy đậu tại: Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 12 ca mắc; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có 9 ca mắc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca mắc; Trường Mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) có 12 ca mắc.
Trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 800 ca mắc thủy đậu, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ có 11 ca); hiện chưa ghi nhận ca tử vong do thủy đậu.