Đừng vì thấy lạnh mà người già lạm dụng các thiết bị sưởi.
Ốm vì bị “hun” trong không khí khô nóng
Chăn điện, điều hòa (chế độ nóng), quạt sưởi… đều là những thiết bị chống lạnh được bày bán khắp nơi, và được người già rất ưa thích bởi chúng giúp xua đi cái rét lạnh thấu xương.
Theo KS Nguyễn Văn Hùng, Công ty TNHH Điện lạnh Ánh Sao (Nam Từ Liêm, Hà Nội), về lý thuyết các thiết bị này đều sưởi ấm bằng nhiệt vì thế không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, thậm chí rất hữu ích đối với người già trong điều kiện thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, thực tế, sau khi sử dụng các thiết bị này, không ít người già cho biết, họ khó thở, có hiện tượng mất nước, thậm chí là bị chảy máu mũi…
Các hiện tượng này không khó giải thích. Quạt sưởi, điều hòa nóng đều có đặc điểm là làm nóng không khí trong phòng. Tuy nhiên, người già vốn sợ lạnh nên thường bật ở chế độ cao, hoặc bật nhiều giờ trong ngày. Lúc này cả căn phòng sẽ được “hun” bởi không khí nóng bức mà người già hay gọi là “ấm sực”.
Việc này giúp người già hết lạnh, nhưng đồng thời nó có thể khiến người già bị khô da, khô mũi… không khí khô nóng dễ làm khô đường thở, có thể gây tổn thương như khô rát lớp niêm mạc, thậm chí chảy máu cam.
Tương tự đối với chăn điện, thiết bị này rất dễ sử dụng bởi các nấc điều chỉnh nhiệt khác nhau. Tuy nhiên, người già có đặc điểm là rất khó cảm nhận chính xác về nhiệt độ, chính vì thế, có thể người già sẽ để nhiệt độ nóng hơn nhu cầu của cơ thể mà chính người già mà không biết.
Đặc biệt, khi bắt đầu đi ngủ, người già thích bật nấc rất cao để làm nóng chăn một cách nhanh chóng. Khi nhiệt độ của chăn ở mức cao có thể khiến người già bị ủ ấm quá mức gây khó chịu, thậm chí với những người có thói quen trùm chăn sẽ cảm thấy khó thở vì bị “hun” trong khí nóng…
Khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm thường xuyên nên tăng cường uống nước, nhỏ nước muối sinh lý cho mắt, mũi nếu cảm thấy khô mắt, khô mũi…
BS Nguyễn Văn Hùng (nguyên bác sĩ Bệnh viện 105)
Ấm chứ không phải nóng
KS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, khi sưởi ấm, nhiều người già nhầm lẫn giữa khái niệm ấm và nóng. Nhiệt độ ấm thì tốt, nhưng nóng quá sẽ gây hại. Chính vì thế, đối với các thiết bị sưởi ấm này, cần tuân thủ nguyên tắc là ấm vừa đủ cơ thể, chứ đừng tham “nóng rực”.
Ví dụ, với điều hòa nhiệt độ chỉ nên để ở mức 24 -26 độ hoặc không chênh lệch cao hơn với môi trường bên ngoài quá 10 độ C. Với chăn sưởi, có rất nhiều mức điều chỉnh nhiệt, khi mới cắm để làm nóng chăn, có thể để ở nấc cao nhất để chăn nhanh nóng, khi đã đủ ấm thì chỉ nên để ở nấc 4,5 là vừa, nếu thời tiết chỉ hơi se lạnh, thì mức nhiệt ở hai nấc nhỏ nhất là hợp lý.
Với quạt sưởi, nên chọn loại máy sửa có bộ cảm biến nhiệt và rơ-le tự ngắt khi đủ nhiệt độ sưởi ấm; với những máy sưởi không có bộ phận này, có thể tự mua rơ-le nhiệt và lắp thêm cho máy sưởi. Khi máy sưởi đạt đủ nhiệt độ sưởi ấm đã đặt trước sẽ ngắt điện để ngưng hoạt động, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa khiến cho không khí trong phòng không bị hun nóng quá mức.
Ngoài ra, với mỗi loại sản phẩm, cần tuân thủ quy tắc nguyên tắc an toàn riêng. Với chăn điện, nên tránh để người già tự điều chỉnh các mức nhiệt, bởi người già có đặc điểm là cảm nhận về nhiệt rất kém. Việc này, con cháu nên làm thay người già. Ngoài ra, khi sử dụng cần kiểm tra kỹ xem có chỗ nào rách, hở dây, hoặc có dấu vết chuột cắn vào dây điện thì không nên dùng nữa.
Với điều hòa nhiệt độ, quạt sưởi, khi sử dụng tốt nhất nên dùng thêm máy phun sương, tạo ẩm, nếu không có điều kiện thì có thể đặt chậu nước trong phòng. Ngoài ra, không nên lạm dụng bật quạt sưởi, máy điều hòa nhiều giờ trong ngày. Trong ngày sẽ có những khoảng thời gian thời tiết ấm áp lên, lúc ấy hãy tắt các thiết bị này, mở hé cửa để đón khí tươi vào nhà.
Đức Anh