Bị bệnh trầm cảm ăn gì?

Trầm cảm là bệnh lý liên quan đến rối loạn thần kinh não bộ với những biểu hiện lo âu, khó ngủ, mệt mỏi, căng thẳng… Theo các nhà khoa học, để đề phòng và chữa trị chứng trầm cảm cần chế độ dinh dưỡng cần bảo vệ chức năng của não.

Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho người trầm cảm, TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi cơ thể bị suy nhược, trầm cảm, quá trình trao đổi chất bị gián đoạn, tinh thần sa sút, kém ăn, mệt mỏi… Do vậy cơ thể cần tăng cường các nhóm chất dinh dưỡng như đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất; đặc biệt lưu ý tới những thực phẩm tốt cho hoạt động của não có chứa carbonhydrate.

Chất đạm: Những loại thức ăn này giúp tăng cường dưỡng chất, khỏe cơ, kích thích cơ thể và não bộ hoạt động. Đạm (Protein) có nhiều trong thịt gà, cá, trứng, sữa… cung cấp cho não các loại acid amin thiết yếu trong đó có tyrosine giúp làm tăng dopamine và norepinephrine trong não, tăng dẫn truyền thần kinh, cho tinh thần tỉnh táo và tăng cường độ tập trung.

Cháo trứng gà bí đỏ – món ăn điều trị trầm cảm.

Omega 3 trong cá hồi, cá trích, cá mòi và cá ngừ cũng có tác động tích cực đến chứng trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh. Lòng đỏ trứng cũng là một thực phẩm có hàm lượng cao chất lecithin, giúp gan hoạt động tốt, tạo lập acetylcholine giúp bổ não, tăng trí nhớ. Tuy nhiên, người bị trầm cảm cơ thể suy nhược, khó tiêu nên chọn thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật để dễ tiêu hóa hơn.

Chất xơ, chất chống ôxy hóa, vitamin và khoáng chất: Chất chống ôxy hóa có tác dụng ngăn các gốc tự do có hại, bảo vệ bộ não, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường dẫn truyền thần kinh. Các chất chống ôxy hóa này có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi, các vitamin A, vitamin C, vitamin E… Bí đỏ là thực phẩm hàng đầu dành cho não bộ bởi chứa nhiều beta caroten, a-xít glutamic…là những hoạt chất chất cần thiết cho hoạt động của thần kinh. A-xít glutamic tự nhiên đặc biệt giúp thải các chất độc hại do hoạt động của não bộ tiết ra.

Ngoài ra các thực phẩm như cà chua, cà rốt, các loại rau, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, rau dền… giúp tăng cường đề kháng, giảm mệt mỏi. Đặc biệt trong lương thực khô (bánh mì nâu, ngũ cốc nguyên cám), rau xanh, trái cây tươi, đậu đỗ… có chứa một lượng lớn carbonhydrat là một chất truyền dẫn kích thích sản xuất các serotonin của thần kinh trung ương, có tác dụng cải thiện tinh thần, tránh stress.

Bên cạnh đó, người bị trầm cảm cũng nên dùng thêm các thực phẩm như giá, bơ, sữa đậu nành, đậu phụ… cũng như uống đủ 2 lít nước để cân đối điều hòa dinh dưỡng.

Hồng Linh

Theo Đời sống
back to top