Khiêu vũ có thể giúp phòng ngừa bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa.
Theo Womenshealth, một số nghiên cứu khoa học ghi nhận đa phần những người tham gia các bộ môn nghệ thuật đều ẩn chứa những lỗ hổng về tâm lý. Các lỗ hồng này sau đó được lấp đầy bằng niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật mà họ theo đuổi, ví dụ như khiêu vũ.
Âm nhạc được sử dụng trong các môn nghệ thuật tác động đến toàn thân, ví dụ như khiêu vũ, cũng tác động tích cực đến tâm lý người tham gia. Các cuộc khảo sát độc lập với những nghệ sĩ không chuyên cho thấy, họ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn và bắt đầu sử dụng âm nhạc như một liều thuốc “bổ” không thể thiếu cho tinh thần. Mà khi khiêu vũ, tức là bạn đã sử dụng âm nhạc.
Bạn ngồi nghe nhạc, đắm chìm trong thế giới âm thanh. Bất giác bạn đung đưa cơ thể, bạn gật gù. Rồi nhạc trở nên sôi nổi hơn, bạn cảm thấy muốn đứng lên đi đi lại lại, thậm chí dậm chân vỗ tay… Những động tác ấy không hẳn chỉ là kết quả của âm nhạc mà có phần nhiều hơn từ nhu cầu của bạn muốn nghe nhạc không phải chỉ bằng tai mà bằng toàn cơ thể bạn để việc cảm nhận âm nhạc được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, triệt để hơn.
Vậy có thể nói khiêu vũ là dùng những động tác của cơ thể để cảm thụ âm nhạc. Khiêu vũ là lắng nghe, là đón nhận những tư tưởng, những tình cảm… mà bản nhạc muốn gửi tới. Đương nhiên âm nhạc là thứ không thể thiếu trong khiêu vũ.
Các nhà nghiên cứu khuyên mỗi người nên chọn cho mình bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào yêu thích, ví dụ như khiêu vũ, múa đương đại, ballet, hiphop… là những môn tác động đến toàn bộ cơ thể. Không những được xem là môn thể thao có tác dụng cải thiện sức khỏe thể chất, các môn này còn được đưa vào liệu trình điều trị trầm cảm ở nhiều quốc gia phát triển.
Mai Nguyễn (tổng hợp)