Thiếu máu cơ tim cục bộ do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim. Trong đó bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính còn gọi là đau thắt ngực ổn định hoặc bệnh động mạch vành ổn định.
Đây là bệnh lý thường gặp nhất ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước đang phát triển với gánh nặng bệnh tật và chi phí chăm sóc rất lớn.
Kiểm soát tăng huyết áp, bỏ thuốc lá, điều trị các tình trạng rối loạn chuyển hóa như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng cường vận động, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. |
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, căn bệnh này thường gặp ở người độ tuổi trung niên trở lên, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc béo phì.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 3 người trưởng thành ( ≥ 25 tuổi) có 1 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một tình trạng y tế nghiêm trọng, là nguy cơ cao mắc bệnh tim, não, thận và các bệnh khác.
ThS.BSCKII Phan Thái Hảo, Trưởng phòng Khám nội, Phòng khám Đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, siêu âm tim đánh dấu mô hay siêu âm Doppler mô cơ tim thường được chỉ định để đánh giá thiếu máu cơ tim. Nhờ đó, đánh giá chức năng tim theo nhiều hướng khác nhau, góp phần vào việc đánh giá bệnh tim thiếu máu cục bộ ngày một sớm hơn, phát hiện sớm những bất thường về chức năng tim.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định có thể được điều trị bằng thuốc (nội khoa), can thiệp động mạch vành tái lưu thông máu bằng can thiệp qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và thuốc giúp phòng ngừa thứ cấp, điều trị bằng thuốc đau thắt ngực.
Ngoài ra, để giảm mắc các bệnh mạch vành nói chung, thiếu máu cơ tim cục bộ nói riêng, theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, chúng ta phải giảm các yếu tố nguy cơ, bảo vệ mạch vành: Kiểm soát tăng huyết áp, bỏ thuốc lá, điều trị các tình trạng rối loạn chuyển hóa như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng cường vận động, tránh tình trạng thừa cân - béo phì cũng như giảm các tình trạng viêm nhiễm.
“Cụ thể như cải thiện chế độ ăn uống, thu nạp 35 - 45gr chất xơ mỗi ngày, 1 – 2 khẩu phần cá/ tuần trong đó ưu tiên các loại cá béo, ít hơn 5g muối/ngày”, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết.