Bệnh nọ xọ bệnh kia

Bà Nguyễn Thị Tề (Hà Đông) tuổi cao, mắc nhiều bệnh. Bà bị đau dạ dày từ khi còn trẻ. Khi có tuổi, bà mắc huyết áp cao, tiểu đường.

Vừa rồi bà đi chợ, không vấp, không va chạm vào ai nhưng tự ngã. Đứng dậy bà thấy đau ê ẩm cánh tay, thì ra xương cánh tay bà bị gãy.

Đi cấp cứu, bác sĩ bó bột cho bà, kiểm tra xương, kết quả bà bị loãng xương. Sau khi điều trị cánh tay gãy, bà được bác sĩ kê một số thuốc điều trị loãng xương. Sau đợt điều trị, bà tự ý mua thêm thuốc uống để phòng chống loãng xương. Kết quả là loãng xương không khỏi nhưng bà mắc thêm bệnh sỏi đường tiết niệu.

LY Hoài Phương, Hội Đông y Việt Nam cho biết, có nhiều yếu tố gây sỏi tiết niệu, trong đó  phải kể đến việc dùng một số thuốc liều cao, dài ngày như canxi trong điều trị và phòng loãng xương. Người cao tuổi hấp thu canxi kém, bài tiết canxi gia tăng.

Nếu lạm dụng hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm cho lượng canxi dư thừa tăng lên và liên tục đào thải qua thận, gây lắng đọng và hình thành sỏi ở thận. Ngoài ra, một số người lạm dụng vitamin C liều cao cũng rất dễ dẫn đến sỏi tiết niệu.

Do cơ địa người cao tuổi rất nhạy cảm nên khi uống bất cứ loại thuốc gì cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Sỏi tiết niệu là do kết quả của sự kết tủa một số chất chứa trong nước tiểu, kết hợp với sự lắng đọng, ứ nước tiểu, đặc biệt ở người cao tuổi, chức năng của thận, bàng quang yếu đi thì hiện tượng này càng dễ xuất hiện.

QA (ghi)

Theo Đời sống
back to top