Không theo dõi sát có thể tử vong bất ngờ
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Trung Cấp, người bệnh nhiễm SARS-CoV2 có thể diễn biến qua 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn nhiễm virus: Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể nhân lên và tấn công vào các cơ quan cảm nhiễm. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 1 tuần. Khoảng 20 - 40% số bệnh nhân có biểu hiện của các cơ quan bị tấn công như sốt, ớn lạnh, ho, mệt mỏi, tiêu chảy, đau đầu, đau họng, mất mùi vị. Khoảng 60 - 80% số bệnh nhân có các triệu chứng này hết sức mờ nhạt hoặc không cảm thấy gì.
Các bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương khỏi bệnh ra viện về nhà. |
Giai đoạn phản ứng miễn dịch thái quá: Khoảng 80% số bệnh nhân sau khi nhiễm virus chỉ diễn biến ở giai đoạn 1 rồi hồi phục. Khoảng 20% sẽ có những phản ứng miễn dịch quá mức dẫn đến tổn thương phổi, thận, não và nhiều cơ quan khác. Tùy mức độ tổn thương mà bệnh nhân có các biểu hiện suy giảm chức năng các cơ quan này như rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy thận, tổn thương tim hay não.
Giai đoạn suy đa tạng: Nếu bệnh nhân ở giai đoạn phản ứng miễn dịch quá mức không được điều trị kiểm soát các tổn thương tốt, sẽ chuyển sang giai đoạn suy nội tạng thì tử vong là khó tránh.
ThS.BSCKII Nguyễn Trung cấp phân tích, nhiều bệnh nhân có triệu chứng ở giai đoạn 1 nhưng lại không tiến triển sang giai đoạn 2. Ngược lại nhiều bệnh nhân không có triệu chứng ở giai đoạn 1 nhưng vẫn tiến triển sang giai đoạn 2, 3 và có thể tử vong. Do không thể biết được trường hợp nào diễn biến nặng lên, nên trong trường hợp chưa quá tải về y tế thì tất cả các bệnh nhân Covid-19 vẫn nên được điều trị tại bệnh viện.
Chúng ta không thể chờ bệnh nhân có biểu hiện tổn thương cơ quan ở giai đoạn 2 mới cho vào bệnh viện như ở nhiều nước châu Âu. Bởi vì trong giai đoạn 2, nhiều bệnh nhân suy hô hấp, hay tổn thương thận rất nặng nhưng lại không tự cảm thấy mà chỉ phát hiện được bằng đo SpO2 hoặc xét nghiệm. Những người này nếu không được theo dõi sát ở cơ sở điều trị có thể tử vong bất ngờ (như trường hợp doanh nhân người Nhật ở Hà Nội chết tại khách sạn) hoặc diễn biến rất nặng mới được phát hiện ra. Do vậy, điều trị các tổn thương muộn sẽ kém hiệu quả. Đặc biệt, nếu để bệnh nhân sang giai đoạn 3 suy đa tạng rồi thì điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém và kết quả không cao.
Bệnh nhân dù trẻ hay già, có bệnh nền hay không đều có thể diễn biến nặng và có nguy cơ tử vong. Có điều nếu diễn biến nặng ở người trẻ, khỏe thì tỷ lệ tử vong thấp hơn. Còn nếu có diễn biến nặng ở người già, có nhiều bệnh nền thì tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
Thuốc Đông y hỗ trợ điều trị
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Trung cấp, 80% bệnh nhân nhiễm Covid-19 là nhẹ, chỉ 20% có diễn biên nặng. Hai căn nguyên chính gây diễn biến nặng là tình trạng đông máu, tắc vi mạch và phản ứng cytokine quá mức tại nhiều cơ quan. Nguyên tắc điều trị để kiểm soát những ca bệnh không diễn biến thành nặng và nguy kịch là kiểm soát sớm tình trạng tăng đông máu và cơn bão cytokine. Thuốc Tây y được sử dụng phổ biến để kiểm soát tình trạng tăng đông là heparin. Để kiểm soát bão cytokine ở những bệnh nhân nặng có thể là corticoid, colchicine, tocilizumab hay thậm chí lọc máu để loại bỏ cytokine.
Tuy nhiên, có khá nhiều thuốc Đông y cũng có tác dụng dược lý tương tự. Bản thân colchicine cũng là dược chất chiết xuất từ cây autumn crocus. Cam thảo chứa dược chất tương tự corticoid. Các loại cây cỏ như lá trúc sào và ô mai, cỏ xạ hương (thyme) và hương thảo (rosemary) hay rễ nghệ (uất kim) đã được chứng minh có tác dụng kháng đông máu. Thyme còn giúp tăng sinh IL10, để đối kháng IL6 và chống trầm cảm rất có ích cho bệnh nhân Covid-19.