Bệnh nhi là bé Trần Hoàng Thiên L (3 tuổi, ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn). Theo lời kể của gia đình khi đang chơi đùa bé nuốt phải viên pin ngay lập tức gia đình liền đưa bé đến bệnh viện để được cấp cứu.
Khi bé nhập viện với triệu chứng buồn nôn và nôn. Sau khi chụp Xquang ngực, bác sĩ xác định vị trí của viên pin nằm sâu dưới miệng thực quản. Đây là vị trí phức tạp, viên pin lại tròn và trơn nên rất khó gắp. Nếu để lâu, các hóa chất rò rỉ từ viên pin có thể gây nguy hiểm cho em bé.
Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Tai mũi họng, Gây mê hồi sức và Ngoại tổng hợp tiến hành hội chẩn và thống nhất gắp dị vật cho bệnh nhân ngay bằng phương pháp nội soi thực quản bằng ống cứng gây mê nội khí quản. Với sự cố gắng, các bác sĩ đã gắp ra viên pin đường kính gần 1,5cm.
BS Phan Thanh Huy- Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân rất nhỏ tuổi có dị vật lớn được gắp thành công tại bệnh viện, giúp người bệnh không phải lên tuyến trên đồng thời giúp giảm biến chứng có thể xảy ra và tăng khả năng hồi phục. Trước đây, bệnh viện đã tiến hành lấy dị vật cho một số trường hợp trẻ nhỏ nuốt phải các đồ vật như viên bi, vòng kim loại…
Đối với dị vật đường thở, các bác sĩ cho biết mọi lứa tuổi đều có thể bị hóc dị vật, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Khi bị sặc, hóc dị vật, nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật.
Viên pin được các bác sĩ gắp ra ở bệnh nhi 3 tuổi.
Nguy hiểm hơn, khi bị sặc, dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Do vậy, trong trường hợp bị sặc, nhất là đối với trẻ nhỏ, nếu có biểu hiện tím tái, khó thở thì phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng thủ thuật dùng tay ép chặt vào bụng nhằm tạo một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp trên. Sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời.
Khi nuốt phải dị vật, dị vật có thể đi vào hầu họng, thực quản, dưới thực quản, đi vào đường tiêu hóa… Trong đó, khoảng 60% dị vật bị mắc lại ở khu vực hầu họng (thường là ở ngang hoặc ngay dưới mức cơ nhẫn hầu). Dù rất dễ “dính chưởng” như vậy, nhưng mỗi bé lại có cách xử trí khác nhau. Có bé nội soi được, có bé phải vừa nội soi vừa mổ hở, có bé thì theo dõi… Trong đó, các bác sĩ cho biết, nội soi là một thủ thuật tương đối an toàn với người có kinh nghiệm, nhưng tốn kém, do đó nên tránh thực hiện khi không cần thiết.
Nguyễn Lê