Mất bàn tay bởi dùng điện thoại khi đang sạc pin
Chiều 14/1, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định xác nhận bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng một bên bàn tay bị giập nát do điện thoại phát nổ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, bệnh nhân V.M.G. (17 tuổi, trú tại huyện Vụ Bản, Nam Định) được thân nhân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khoảng 14h ngày 13/1 trong tình trạng bị kích thích, bàn tay giập nát nghiêm trọng. Thời điểm nhập viện, toàn bộ bàn tay trái, ngón tay của bệnh nhân nát tươm, rơi lìa các ngón tay.
Theo người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra khi G. đang nằm trên giường vừa dùng điện thoại vừa sạc pin. Bất ngờ chiếc điện thoại nổ lớn khiến bàn tay trái giập nát. Gia đình đưa thẳng bệnh nhân vào viện mà không kịp sơ cứu. Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân tổn thương giập nát và không còn khả năng nối liền chi, khác với các vết thương cắt lìa là có thể vi phẫu nối lại được, nên các bác sĩ chỉ có thể xử lý cắt lọc các phần giập nát. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện vì thói quen vừa sạc pin vừa dùng điện thoại.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, vừa sạc vừa dùng điện thoại cũng rất nguy hiểm, điện thoại dễ bị nổ. Lý do là dòng điện vừa vào vừa ra sẽ tạo ra một điện áp ngầm gây đau. Khi nhiệt độ quá cao do hoạt động liên tục thì pin sẽ phát nổ. Chiếc sạc điện thoại thông thường sử dụng IC, linh kiện như tụ điện hay điện trở để hạ điện áp. Từ điện áp 220V trở thành điện áp 40V chỉ bằng những tụ điện nhỏ tí. Tuy nhiên, các linh kiện này rất sễ chập, hỏng do sử dụng sai cách, thời tiết ẩm thấp, tiếp xúc phải nước… Khi linh kiện bị ngắt mạch, đồng nghĩa dòng điện ở dây cắm sạc là 220V, có thể gây chết người.
Đừng chủ quan với tính mạng
KS Nguyễn Huy Bạo cho rằng, điểm tiếp xúc của điện thoại chính là 3 điểm tiếp xúc của đầu pin. Nếu đầu tiếp xúc không tốt, điện thoại bị rò điện, bộ phận cách điện sẽ không hoạt động. Thay vì điện áp 3V ở pin thì dòng điện 220V sẽ đánh thẳng vào thái dương nếu đang nghe điện thoại, khi đó nạn nhân sẽ tử vong. Trường hợp dòng điện lớn cắm trực tiếp vào cục pin đang hoạt động, chắc chắn sẽ phát nổ, có thể đứt lìa bàn tay cũng dễ hiểu.
Theo TS Trịnh Quang Khải, ĐH Bách khoa Hà Nội, việc nhận biết linh kiện bên trong cục sạc bị hỏng là rất khó, chỉ trừ khi đã xảy ra sự cố, hỏng hóc rồi. Có những chiếc sạc dùng chục năm không hỏng, nhưng có những cái vừa mua đã hỏng. Do đó cần dùng sạc chính hãng, có bảo hành. Khi cục sạc có dấu hiệu nóng bất thường, phải thay bằng sạc khác. Khi cắm và rút sạc điện thoại cũng phải cẩn thận. Cắm và rút thẳng, không rút ẩu dễ làm bẻ chân sạc gây hỏng, thậm chí làm nguồn điện vào không ổn định cũng gây chập, cháy linh kiện bên trong cục sạc, dễ dẫn đến những nguy cơ khi sử dụng.
Sử dụng điện thoại trong tình trạng đang sạc pin khác với thông thường, vì khi đó nguồn thực hiện 2 chức năng sạc – phát. Sự khác nhau đáng lưu ý ở đây là điện thoại trong tình trạng đang sạc pin, có nghĩa là pin đang yếu. Khi nguồn điện thoại yếu thì nó sẽ phát ra bước sóng lớn hơn thông thường. Rồi nếu không may ổ cắm có vấn đề, cộng với nguồn sạc trục trặc, bộ chuyển đổi điện không hoạt động… thì với điện áp lớn tích hợp vào cục pin sẽ tạo ra tiếng nổ lớn, nguy hiểm đến tính mạng.
Để giữ liên lạc thông suốt, an toàn, theo các chuyên gia, khi pin báo còn từ 35-40% nên cắm sạc. Khi sạc được khoảng 95-98% là phải rút sạc ra. Lý do là nếu sạc đầy đến 100%, tụ ngắt của điện thoại sẽ buộc phải hoạt động, lâu ngày sẽ làm chai pin. Khi đó, đang sạc pin mà có việc cần dùng điện thoại thì vẫn có thể rút sạc ra sử dụng bình thường, không quá lệ thuộc vào cục sạc.