Bé gái 3 tháng tuổi ở Hà Nội bị nhỏ nhầm axit vào miệng

Bé gái 3 tháng tuổi bị bỏng khoang miệng độ III do người nhà nhỏ nhầm lọ thuốc Acid trichloracetic 80% cho bé uống, thay vì lấy lọ Vitamin D3.

Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé gái M.A 3 (tháng tuổi) bị bỏng khoang miệng độ III do người nhà nhỏ nhầm lọ thuốc Acid trichloracetic 80% để cho bé uống, thay vì lấy lọ thuốc Aquadetrim (Vitamin D3) bé đang dùng hàng ngày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của người mẹ, do trong gia đình có người bị mụn cóc nên đã mua thuốc Acid trichloracetic 80% (là một chất tương tự acid axetic, được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân) về điều trị.

Lọ thuốc này được đặt cạnh các loại thuốc dùng cho bé, buổi sáng xảy ra sự việc, khi người nhà lấy lọ vitamin D3 để nhỏ cho bé uống, tuy nhiên đã lấy nhầm lọ Acid trichloracetic 80% để ngay bên cạnh.

Khi nhỏ thuốc vào miệng cho cháu thấy xuất hiện chất màu trắng mỏng trong khoang miệng, cháu quấy khóc nhiều. Lúc này gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn và đã sơ cứu tại nhà bằng cách lấy khăn thấm nước lau miệng cho con và đưa ngay Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bỏng hóa chất là tình trạng bỏng do các loại hóa chất như axit hoặc bazơ gây ra. Nó có thể gây ra tổn thương trên da hoặc niêm mạc các khoang trong cơ thể. Trường hợp bỏng sâu có nguy cơ tổn thương đến gân cơ, xương hoặc các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.

“Bỏng hóa chất như trường hợp bé M.A. thường rất nguy hiểm. Nhưng may mắn, bé uống nhầm lượng nhỏ (theo giọt) nên diện tích bỏng không lớn, điều trị đúng sẽ hạn chế được các di chứng sau này", bác sĩ Sáng cho hay.

Nhờ điều trị kịp thời, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện.

Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ cần để riêng những loại thuốc của con, không để những hóa chất nguy hiểm cạnh những lọ thuốc của gia đình.

Ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm chất gây bỏng, cha mẹ cần bình tĩnh, có thể sơ cứu ban đầu bằng cách: Rửa vùng xung quanh miệng của trẻ bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Nếu trẻ đủ lớn có thể cho trẻ súc miệng bằng nước mát rồi nhổ đi giúp hòa loãng hóa chất.

Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp, vẫn nên tiếp tục rửa nước hoặc xúc miệng bằng nước trong quá trình vận chuyển.

Theo Đời sống
AI giúp nhận diện dấu hiệu ung thư chỉ với 1 giọt máu khô

AI giúp nhận diện dấu hiệu ung thư chỉ với 1 giọt máu khô

Những thử nghiệm ban đầu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy chỉ với một vết máu khô, công cụ này có thể phân biệt được bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy, dạ dày hoặc đại trực tràng với người khỏe mạnh trong vòng vài phút.
back to top