Những hiểu lầm về bát đĩa nhiễm chì
Đồ dùng bằng gốm sứ được các chuyên gia khuyên là an toàn hơn đồ dùng bằng nhựa. Tuy nhiên, không ít người lo lắng về việc có hay không bát đĩa bị nhiễm chì, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là có thể gây bệnh ung thư?
Bà Nguyễn Bích Hồng (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, tháng trước bà ra chợ thấy có bán nhiều bát đẹp, giá rẻ nên bà mua về dùng. Nhưng con trai bà nhất quyết vứt ra thùng rác vì nói rằng bát rẻ như thế chắc chắn là bị nhiễm chì. Đặc biệt là các loại bát đĩa này màu sắc rất sặc sỡ thì càng khẳng định chúng bị nhiễm chì. Liệu thông tin này có đúng không, làm sao để phân biệt?
Để lý giải vì sao bát đĩa bị nhiễm chì, bà Hồng được giải thích rằng đồ gốm sứ tráng men thủ công nếu nung ở nhiệt độ thấp có thể gây nhiễm độc chì cho người dùng. Vì thông thường, gốm phải nung ở nhiệt độ từ 1.200 – 1.500 độ C, nhưng nếu pha thêm chì chỉ cần nung ở 800 – 1.100 độ C đã được một lô thành phẩm, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa có sản phẩm hoa văn đẹp mắt. Ngoài ra, bát đĩa càng đẹp long lanh hoặc trang trí hoa văn sặc sỡ thì nguy cơ có độc tố càng cao...
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, đây hoàn toàn là những thông tin không có cơ sở khoa học. Rất hiếm khi người ta cho chì vào gốm sứ vì sẽ khiến chúng có màu nâu xỉn, không được sáng bóng. Và có một điều ít người hiểu rằng, chì trong gốm sứ, nếu có, cũng sẽ không tan và không thể thôi ra thức ăn như chúng ta lầm tưởng. Do đó, lo lắng về việc sức khỏe bị ảnh hưởng từ bát đĩa nhiễm chì là không có căn cứ.
“Pha lê có thành phần 28% là chì, nhưng chúng rất an toàn để sử dụng mà không có bất cứ khuyến cáo nào về độ độc hại. Chì nếu có thì chỉ tồn tại trong các đề can dán bên ngoài gốm sứ để tạo hoa văn trước khi đem đi hấp. Một số màu trên đề can ấy có thể có chì, trong chuyên môn gọi đó là men nhẹ lửa. Tuy nhiên trong quá trình hấp thì chì cũng đã nóng chảy ra rồi, rất khó để thôi ra trong quá trình sử dụng”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Không có cách nhận biết
Để biết bát đĩa có bị nhiễm chì hay không, nhiều người áp dụng các mẹo đơn giản. Ví dụ như đổ một ít nước vào chỗ không tráng men của bát, cốc, đĩa (có thể là phần đế). Nếu thấy bát, đĩa hay cốc đó hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt. Hoặc đựng giấm vào sản phẩm bát đĩa bằng gốm sứ, nếu sản phẩm có dấu hiệu trắng ra hoặc giấm bị đổi màu thì có khả năng chứa tạp chất. Không dùng các sản phẩm có hoa văn sặc sỡ, sáng bóng. Bới vì với nhiệt độ trên 1 000 độ C, gốm được nung thường không có màu. Nhà sản xuất cho thêm chì để tạo màu và tráng bóng bên ngoài tăng thêm độ lung linh. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, vì là vô hại nên người ta không nghiên cứu cách nhận biết chì trong gốm sứ. Nhiều người truyền tai nhau những cách thử như vậy là rất phản khoa học, thiếu căn cứ.
“Nếu trong gốm sứ có chì thì không có phép thử nào nhận biết được ngoại trừ đem phân tích thành phần có trong gốm sứ đó. Việc này phải tiến hành trong phòng thí nghiệm chứ không tự làm được. Hơn nữa, chì có trong thủy tinh, gốm sứ là không độc, do đó không cần phải quan tâm đến các phép thử này làm gì”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Khi sử dụng bát đĩa gốm sứ, chỉ có một lưu ý với người sử dụng là không dùng các sản phẩm có hoa văn được vẽ bằng sơn. Chúng có màu rất đẹp nhưng thành phần của sơn gồm nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Đó mới là loại bát đĩa cần phải tránh. Không nên nghe theo những lời đồn thổi thiếu căn cứ gây hoang mang.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, dù thành phần chì trong bát đĩa không đáng lo ngại nhưng người tiêu dùng vẫn nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ưu tiên sản phẩm trơn, một màu thay vì những loại đồ dùng có dán nhiều loại đề can hay có nhiều hoa văn họa tiết sặc sỡ.