Cận cảnh lọ mỡ có từ năm 1960.
Ông Hợp giới thiệu về lọ mỡ mà bảo tàng đã gìn giữ từ năm 1960. Lần hồi về quá khứ, gặp gỡ những chứng nhân, lần giở cả hồ sơ, hình ảnh mới thấy hết một thời tao loạn của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Hồ sơ 1959
Thật ra, cho đến nay lọ mỡ trong bảo tàng tỉnh Hà Giang vẫn không có hồ sơ đầy đủ. Lý do và cả nguyên nhân được ông Hợp dẫn giải: “Không ai muốn nhớ về một thời kỳ tàn nhẫn như vậy. Vả lại, người xưa biết chuyện là những ai thì cũng khó xác định. Chỉ biết rằng, lọ mỡ mang hồ sơ bìa 1959”.
1959 – nguyên là thời điểm mà bọn phỉ ở Hà Giang gây vụ án man rợ “xả thịt, rán mỡ” cán bộ, uy hiếp nhân dân và làm những việc trời không dung, đất không tha. Vụ án sau đó khép lại, những tên phỉ tàn ác bị trả giá, bị trừng trị nhưng nỗi khiếp đảm và oán thán vẫn còn lại mãi.
“Không phải chúng tôi không muốn sưu tầm tỉ mỉ hơn những chuyện xoay quanh lọ mỡ người, nhưng quả thực rất khó. Sự việc đã cách xa gần 60 năm, nhân chứng thì cũng không có. Cho nên bây giờ, lọ mỡ người là hiện vật duy nhất, là tiếng nói duy nhất để tố cáo những hành động thú tính của toán phỉ ở Đồng Văn”, ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Ông Âu Văn Hợp cho biết: “Không phải tự nhiên mà chúng tôi có lọ mỡ này để trưng bày đâu. Đó là một câu chuyện dài và bí ẩn. Cho đến nay, lọ mỡ ấy do ai đưa đến cũng không được biết”.
Vào năm 1960, những người làm trong ngành sưu tầm văn hóa ở Hà Giang có đến xã Lũng Phìn (Đồng Văn) để tìm hiểu những bản sắc của đồng bào dân tộc Mông. Trong cuộc sưu tầm này, họ đã tìm được một ống bương, bên trong có đựng mỡ.
Phỉ đã dùng con dao này để gây án với hai cán bộ thương nghiệp.
Câu chuyện nhẽ ra đã bị quên lãng. Nhưng sau này, khi bảo tàng được thành lập, cán bộ văn hóa đã chuyển mỡ từ ống bương sang lọ thủy tinh để bảo quản và cũng là tiện cho việc trưng bày hiện vật.
Hồ sơ 1959 chỉ vỏn vẹn những ý đó. Không có bất cứ một thông tin nào khác rành rẽ hơn để chỉ dẫn cho lớp hậu sinh sau này. Thế nên, cuộc sưu tầm mới về câu chuyện phỉ giết người, rán lấy mỡ cũng đầy khó khăn.
Tội ác man rợ
Để rõ hơn về nguồn gốc cũng như những chuyện xoay quanh lọ mỡ ấy, chúng tôi đã tìm đến ông Mua Vản Sấu ở bản Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là. Ông Sấu năm nay đã bước sang tuổi 83. Trước kia, ông từng có thời gian phục vụ trong đội quân của vua Mèo Vương Chí Sình.
Cảnh xét xử toán phỉ bạo loạn năm 1959.
“Trước năm 1959 thì bọn phỉ đã xuất hiện ở Đồng Văn và làm những việc thất đức. Chúng giết người, cướp của, hiếp dâm giữa ban ngày mà không sợ chính quyền. Chúng có súng, có lựu đạn và ngựa để đi gây án. Chúng đi đến đâu là vùng đó tan hoang. Chúng đến nhà nào là có án mạng, hoặc gia đình chia cách”, ông Sấu cho hay.
Trong thời gian ấy, vua Mèo Vương Chí Sình đương chức chủ tịch huyện Đồng Văn cũng biết chuyện. “Tôi có được nghe cấp dưới của vua Mèo báo cáo sự việc về toán phỉ chuyên gây án. Nhưng lúc ấy tình hình rất phức tạp, bọn phỉ thoắt ẩn thoắt hiện nên phía chính quyền chưa thể hành động”, ông Sấu nhớ lại.
Đùng một cái, khắp huyện Đồng Văn nghe tin sét đánh: Phỉ giết người, rán lấy mỡ. Nạn nhân là hai người đàn ông bị chúng xẻ thịt. Sau này, khi điều tra ra thì mới biết đó là hai cán bộ thương nghiệp đang làm việc ở xã Lũng Phìn.
Những tên cầm đầu toán phỉ ở Đồng Văn.
“Không ai biết hai cán bộ ấy tên gì? Quê quán ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Chỉ biết sau khi toán phỉ phi ngựa, nổ súng ở cửa hàng lương thực để cướp thì chúng cũng giết luôn cán bộ. Vì quá sợ hãi, người dân trong vùng chạy hết nên bảo có nhân chứng hay không thì rất khó”, ông Sấu cho biết.
Theo như tài liệu cũ để lại, tên cầm đầu toán phỉ tên là Giàng Mí Thưng người dân tộc Mông. Hai cán bộ bị giết là người Thổ (ở Hà Giang, người Tày được gọi là người Thổ – PV). Sau vài ngày, khi tình hình yên ổn thì người dân mới dám quay lại. Lúc này, người ta chỉ còn thấy máu khô dưới nền đá và ống bương đựng mỡ treo trên cửa của kho lương thực.
Mỡ cạn theo năm
Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho biết: “Trước đây, khi đổ mỡ từ ống bương vào lọ thủy tinh thì mỡ vẫn đầy ắp. Nhưng từ đó đến nay, mỗi năm lọ mỡ cạn đi một ít, không biết có phải mỡ đang khô dần và cô lại thành cục hay không”.
Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Vì sợ mỡ “bay hơi”, năm 1991 bảo tàng tỉnh Hà Giang đã quyết định gắn xi niêm phong lọ mỡ. Đồng thời đặt trong tủ kính và không cho bất cứ ai động vào để giữ gìn hiện vật được nguyên vẹn.
Trở lại tội ác của toán phỉ gây ra vụ bạo loạn năm 1959, ông Hợp thẳng thắn rằng, khi đó ông còn quá nhỏ để biết chuyện. Ông Mua Vản Sấu thì rõ hơn, ông bảo, trên nửa số chúng bị bắt. Tên cầm đầu có bị vào “rọ” hay không thì không rõ, nhưng trên chục tên trong nhóm thủ lĩnh phải ra tòa xét xử.
“Cuối năm 1959 thì chúng gây án giết hai cán bộ. Sau đó một thời gian rất ngắn thì chúng bị bắt giữ. Tòa án chính quyền đưa bọn phỉ ra xét xử công khai. Hôm đó, có cả hàng nghìn người dân địa phương kéo đến nghe tòa phán quyết. Trong số bọn chúng, nhiều kẻ bị tử hình, bị chung thân”, ông Sấu nhớ lại.
Ông Mua Vản Sấu từng được nghe nhiều báo cáo về bọn phỉ.
Hiện nay, bảo tàng tỉnh Hà Giang còn lưu giữ được 3 bức ảnh quý hôm xét xử bọn phỉ. Một bức có hai tên đứng nghe phán quyết, bức thứ hai có hơn chục tên cầm đầu đứng hàng ngang chờ xét xử, bức thứ ba là rất nhiều súng – thứ chúng đi gây án.
Quá khứ đã khép lại, nhưng ở Đồng Văn bây giờ khi nhắc về phỉ thì những người già cả đều khiếp sợ. Có những người chưa bao giờ thấy phỉ nhưng chỉ cần nghe nhắc lại cái tên Giàng Mí Thưng thì đều gây cho họ nỗi oán thán.
Đồng Văn đã 55 năm bình yên. Phỉ cũng không còn tồn tại ở địa đầu Tổ quốc nữa. Bọn trẻ con cũng chỉ mơ hồ khi ai đó nhắc đến phỉ như nhắc đến “ngáo ộp”. Nhưng còn đó một hiện vật là chứng tích tố cáo tội ác của bọn phỉ – một thời đau thương của Đồng Văn.
(Còn nữa)
Trần Hòa