Tinh giản đã kịch khung
Bộ GD&ĐT vừa có công bố về tinh giản chương trình các cấp nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Theo Bộ GD&ĐT, việc cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Đối với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT lưu ý với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn.
Đặc biệt, không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết khi lên lớp 2.
Đối với bậc trung học, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, các trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học. Đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, các trường chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp thực tiễn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính tới thời điểm này, học sinh cả nước đã nghỉ được khoảng 8 tuần. Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, học sinh sẽ còn tiếp tục nghỉ đến 15/4. Như vậy, thời gian nghỉ ít nhất sẽ khoảng 10 tuần.
Trong khi đó, theo điều chỉnh khung thời gian năm học lần 2 của Bộ GD&ĐT, thời gian năm học mới giãn ra khoảng 6 tuần. Cụ thể, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/8/2020.
Vậy giả sử, nếu học sinh vẫn phải tiếp tục nghỉ sau 15/4, thậm chí lâu hơn nữa, thì dù tinh giản chương trình, liệu có thể kết thúc năm học theo đúng kế hoạch được hay không, liệu có thể tinh giản tiếp tục nữa hay không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quá trình xây dựng hướng dẫn tinh giản phải tính toán về thời lượng nội dung kiến thức giảm tải làm sao để đảm bảo thực hiện được trong khoảng thời gian còn lại của chương trình; bao gồm cả phần học online, học trên truyền hình và phần tiếp tục học khi học sinh đi học trở lại.
Hướng dẫn điều chỉnh của Bộ là đã giảm kịch khung trong điều kiện có thể và không thể tinh giản được nữa khi nguyên tắc là phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu của chương trình.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục sẽ phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học từ xa để đẩy mạnh hình thức này trong việc dạy nội dung chương trình của học kỳ 2. Các bài giảng dạy qua internet, dạy trên truyền hình sẽ phải căn cứ vào hướng dẫn tinh giản này để xây dựng.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Theo ghi nhận của PV KH&ĐS, các giáo viên đều cho rằng, chương trình tinh giản theo công bố của Bộ GD&ĐT đã giảm tải rất nhiều. Trong hoàn cảnh một năm học đặc biệt như năm nay, thì việc giảm tải này là cần thiết.
Tuy nhiên, vấn đề là thực hiện như thế nào. Thực tế, dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, chưa biết thời điểm nào học sinh có thể đi học trở lại được. Chương trình học kỳ 2 theo Bộ GD&ĐT sẽ được học qua hình thức học từ xa, tuy nhiên, việc học trực tuyến, học trên truyền hình giữa các tỉnh, các cơ sở giáo dục hiện nay triển khai chưa đồng đều.
Cô giáo Đỗ Hoa Huệ (Trung tâm GDTX huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) chia sẻ, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị máy tính để cho học sinh học bài qua ứng dụng. Với những em này, chỉ còn một kênh là học qua truyền hình. Như vậy, là có sự thiệt thòi so với các học sinh khác vừa được học trực tuyến, vừa được học trên truyền hình.
Ngay ở Hà Nội, các giáo viên cũng phản ánh, một số gia đình không có điều kiện trang bị máy tính cho con học online. Hoặc là trang bị không đủ. Trong cùng một thời điểm, nếu cả hai con cùng học trực tuyến thì không đủ hai máy tính để học. Chưa kể còn các vấn đề liên quan tới đường truyền. Cho nên, ngay cả khi chương trình đã được tinh giản, thì cũng vẫn khó để đảm bảo chất lượng như học ở trên lớp.
Còn cô giáo Lê Thanh Huyền (Trường THPT Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, trường cô cho tới thời điểm hiện tại chưa thể triển khai được việc học trực tuyến. Vì thế, các em sẽ thiệt thòi so với học sinh các cơ sở giáo dục khác, đặc biệt là đối với các học sinh lớp 12, sắp tới là khi thi THPT Quốc gia, xét tuyển vào đại học, các em sẽ phải cạnh tranh với các thí sinh cả nước.
Cho nên, Bộ cần có chính sách đồng bộ, từ việc học, cho tới việc thi tuyển, đảm bảo sự công bằng giữa các học sinh.
Ngoài ra, về hướng dẫn tinh giản chương trình, theo phản ánh của nhiều giáo viên, cũng vẫn còn một số những điểm chưa rõ. Cụ thể, đối với yêu cầu “Khuyến khích học sinh tự đọc”, thì không rõ học sinh có cần học hay không, nếu học thì học như thế nào… Bộ hoặc Sở cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, căn cứ vào chương trình đã giảm tải, Bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi và công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.
Bộ GD&ĐT quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện".