Ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.
Hầu hết, các tế bào trong cơ thể có chức năng cụ thể và tuổi thọ cố định. Trong quá trình điều hòa, một tế bào nhận được chỉ thị để chết và cơ thể có thể thay thế nó bằng một tế bào mới hơn hoạt động tốt hơn.
Với các tế bào ung thư thiếu các yếu tố hướng dẫn chúng ngừng phân chia và chết. Kết quả dẫn đến sự tích tụ trong cơ thể, sử dụng oxy và chất dinh dưỡng thường nuôi dưỡng các tế bào khác.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua các hạch bạch huyết. Một số loại ung thư gây ra sự phát triển tế bào nhanh chóng, trong khi những loại khác làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ chậm hơn.
Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh, ví dụ: Ung thư phổi phát sinh từ các tế bào ở phổi, ung thư đại tràng phát sinh từ các tế bào ở đại tràng.
Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra các ung thư có thể phát triển từ máu, như là các bệnh máu ác tính...
Bác sĩ mách cách thay đổi lối sống phòng ung thư - Ảnh minh họa |
Để phòng ngừa ung thư hãy thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều trái cây, rau, các loại đậu, thịt nạc, tăng cường chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa đem đến nhiều lợi ích cho cơ thể. Hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thức ăn nhanh để giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vì đây là những loại không tốt cho sức khỏe.
Tập thể dục thường xuyên
Mỗi người nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Lựa chọn các hoạt động thể dục tùy thuộc vào thể trạng.
Duy trì cân nặng phù hợp
Béo phì, thừa cân là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ, tiểu đường... Duy trì cân nặng hợp lý cũng giúp giảm khả năng mắc ung thư. Người thừa cân nên giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường vận động.
Tránh tiếp xúc tác nhân gây ung thư
Bức xạ, độc tố công nghiệp và môi trường (amiăng, benzen, amin thơm và polychlorinated biphenyl) là các yếu tố nguy cơ gây ung thư. Người làm việc trong môi trường có các độc tố này cần dùng đồ bảo hộ đạt chuẩn, giảm tối đa tiếp xúc với cơ thể.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời giúp giảm nguy cơ ung thư da. Khi ra ngoài nắng, mọi người nên đội mũ, mặc áo sơ mi dài tay và kem chống nắng có chỉ số SPF (Sun Protection Factor) từ 30 trở lên.
Không hút thuốc
Khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó có các loại có thể gây ung thư ở con người. Không hút thuốc và hạn chế tránh hút thuốc lá thụ động giúp giảm nguy cơ ung thư.
Hạn chế uống rượu bia
Rượu bia là chất kích thích thần kinh, uống nhiều làm tăng khả năng phát triển một số loại ung thư như thực quản, gan, đại trực tràng và vú. Hạn chế uống rượu giúp phòng tránh ung thư.
Tránh lây nhiễm các bệnh tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HPV, viêm gan, HIV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác nhau như gan, cổ tử cung, vòm họng... Phòng ngừa các bệnh nhiễm virus này bằng cách quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng.
Tiêm ngừa vaccine
Tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng HPV, viêm gan B, C... cũng góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan, từ đó phòng tránh ung thư.
Tầm soát và khám sức khỏe định kỳ
Một số loại bệnh ung thư có thể phát hiện sớm nếu được kiểm tra, tầm soát sớm. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư cổ tử cung, từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú.
Người từ 45 đến 50 tuổi nên tầm soát ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt. Người từ 50 tuổi trở lên từng hoặc đang hút thuốc lá nên tầm soát ung thư phổi một lần mỗi năm.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)