Kích hoạt báo động đỏ, cứu thai phụ bị nhau tiền đạo ra huyết ồ ạt

Trước khi nhập viện, sản phụ đã trải qua hai đợt ra máu nghiêm trọng trong vòng 1 giờ. Nhận định tình hình hết sức nguy cấp, các bác sĩ lập tức kích hoạt báo động đỏ, quyết định phẫu thuật mổ lấy bé để giữ tính mạng cho mẹ.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận sản phụ L.T.T.N (30 tuổi, ngụ tại Long An) mang thai lần 3 ở tuần thai 36 tuần 5 ngày trong tình trạng ra huyết cục âm đạo nhiều, máu mất ước lượng khoảng 600-700ml, huyết áp 100/60 mmHg, mạch 98 lần/phút, tim thai 130 lần/phút.

Được biết, trước khi nhập viện, sản phụ đã trải qua hai đợt ra máu nghiêm trọng trong vòng 1 giờ. Nhận định tình hình hết sức nguy cấp, các bác sĩ lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, hội chẩn chuyên khoa và quyết định phẫu thuật mổ lấy bé để giữ tính mạng cho mẹ.

Phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ bị rau tiền đạo. Ảnh BVCC

Phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ bị rau tiền đạo. Ảnh BVCC

Chỉ sau 20 phút từ lúc tiếp nhận, ê-kíp phẫu thuật do BS. Nguyễn Viết Đức dẫn dắt đã mổ lấy thai thành công. Bé trai khỏe mạnh nặng 3,1kg cất tiếng khóc chào đời. Đồng thời, sản phụ được xử lý may diện nhau bám để cầm máu và truyền một đơn vị hồng cầu lắng ngay tại phòng mổ.

Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cả mẹ và bé đều ổn định. Sản phụ hồi phục tốt và đã được xuất viện về với gia đình.

Qua trường hợp trên, BS.CKII Lê Thị Chuyền – Trưởng khoa Sản Phụ khoa khuyến cáo: Để có một thai kỳ an toàn và hạn chế các biến chứng sản khoa nguy hiểm, thai phụ nên khám thai định kỳ, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Việc này giúp phát hiện sớm các bất thường như nhau tiền đạo trung tâm hay nhau cài răng lược, từ đó có phương pháp can thiệp kịp thời và phù hợp.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa nhau tiền đạo

Theo các bác sĩ, những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhau tiền đạo.

Chế độ sinh hoạt:

Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, đó có thể là điều báo động cho những người làm cha mẹ. Dưới đây là một số điều cần lưu ý giúp bạn chuẩn bị và có thể ứng phó cho việc sinh nở:

Tìm hiểu kỹ về nhau tiền đạo: Hãy hỏi thăm những bà mẹ có nhau tiền đạo đã trải qua quá trình sinh con.

Chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh mổ: Tùy thuộc vào loại nhau tiền đạo, bạn có thể phải sinh mổ. Hãy nhớ rằng mục tiêu là sức khỏe của bạn và con.

Nghỉ ngơi: Việc nghỉ ngơi là rất quan trọng, đặc biệt là nghỉ ngơi cho phần chậu. Không làm việc nặng hay bưng bê các vật nặng.

Nằm trên giường, giảm hoạt động, tránh quan hệ tình dục là bắt buộc.

Tìm kiếm những việc nhẹ nhàng giúp bạn thư giãn và giải trí khi buồn chán như viết thư, làm một album ảnh, đọc sách.

Nuông chiều bản thân: Hãy tận hưởng và yêu thương bản thân bạn như mua một bộ đồ mới thoải mái, đọc một cuốn sách hay, xem những chương trình yêu thích,...

Hãy dựa dẫm vào bạn bè và gia đình để trò chuyện và hỗ trợ trong mọi việc hàng ngày.

Giữ tinh thần tích cực, lạc quan; bạn có thể lựa chọn yoga hay thiền.

Chế độ dinh dưỡng:

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé.

Không hút thuốc lá.

Phương pháp phòng ngừa nhau tiền đạo hiệu quả

Không có cách nào để ngăn ngừa nhau tiền đạo. Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, hãy khám thai định kỳ và siêu âm để theo dõi sự di chuyển của nhau thai, đặc biệt là từ tuần thứ 28 đến tuần 32 của thai kỳ. Điều này giúp bác sĩ điều trị có thể tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn, tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo dõi các triệu chứng của nhau tiền đạo và các triệu chứng cũng như dấu hiệu báo động của biến chứng. Đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ có bất thường của bản thân và thai nhi.

Theo Đời sống
back to top