Sốt xuất huyết gia tăng, dấu hiệu cần nhập viện gấp

Sốt xuất huyết đang gia tăng nếu không được phát hiện theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh nhân phải đối mặt với những thể bệnh nặng của sốt xuất huyết như xuất huyết tiêu hoá do giảm tiểu cầu, sốc Dengue, tràn dịch ổ bụng,...

Sốt xuất huyết gia tăng

Ngày 11/12, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thông tin, hiện tại là thời điểm gia tăng các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sốt xuất huyết dễ lây lan thành dịch. Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận điều trị cho 150 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đáng chú ý, biến chứng nặng sốc do sốt xuất huyết không chỉ ghi nhận ở những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền mà còn có thể xảy ra ở những người trẻ, không có bệnh lý nền.

Điển hình trường hợp bệnh nhân Cao T. Đ. (38 tuổi, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) sau 4 ngày sốt cơn, gai rét, đau mỏi người, đau bụng thượng vị, da sung huyết, đã dùng thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không thuyên giảm, kèm theo chảy máu mũi.

Khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được xét nghiệm chuyên sâu, kết quả dương tính với sốt xuất huyết, chỉ số tiểu cầu giảm, cô đặc máu tăng, men gan tăng. Các bác sĩ đã chẩn đoán tình trạng sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, tiến hành điều trị theo phác đồ. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.

“Tôi rất bất ngờ khi biết mình bị sốt xuất huyết, ở nhà tôi bị sốt, đau mỏi người, dịch mũi kèm máu nhưng tôi chỉ nghĩ mình bị cảm cúm thông thường nên mua thuốc hạ sốt dùng nhưng bệnh không đỡ.

Đến bệnh viện tôi được bác sĩ khám phát hiện mắc bệnh sốt xuất huyết và nhập viện điều trị. Hiện giờ tôi cảm thấy yên tâm và đỡ mệt mỏi hơn”. Bệnh nhân Cao T. Đ. chia sẻ.

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cách tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết - Ảnh: BVCC

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cách tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết - Ảnh: BVCC

Nhận biết sớm để tránh biến chứng nguy hiểm

Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể xuất hiện các triệu chứng như da sung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau

BS Bùi Thị Nhung, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Có 3 mức độ trong phân độ của sốt xuất huyết: “Sốt xuất huyết - sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo – sốt xuất huyết nặng. Cũng như mọi năm, bệnh nhân nhập viện gia tăng vào thời điểm lưu hành dịch tễ bệnh sốt xuất huyết trong khoảng tháng 8 đến tháng 11.

Biểu hiện của sốt xuất huyết ngoài da - Ảnh BVCC

Biểu hiện của sốt xuất huyết ngoài da - Ảnh BVCC

Các bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo thường có biểu hiện như thoát dịch, cô đặc máu, giảm tiểu cầu nhanh, chảy máu niêm mạc hoặc xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch các màng: Màng tim, màng bụng, màng phổi.

Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể xuất hiện các triệu chứng như da sung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi hoặc nặng hơn là xuất huyết nội tạng), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, đau bụng vùng gan, vật vã, li bì.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các thể nặng của sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị sốc Dengue do mất máu hoặc do thoát dịch huyết tương, có thể có xuất huyết nội tạng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá, suy đa tạng và có thể dẫn đến tử vong.”

Sốt xuất huyết nếu theo dõi và điều trị kịp thời có thể giảm tỷ lệ chuyển từ sốt xuất huyết Dengue chuyển thành sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bệnh nhân có thể theo dõi chỉ số sinh tồn tại nhà, theo dõi nhiệt độ cơ thể.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột và liên tục, nhức đầu, đau nhức hai hố mắt, đau mỏi người, cơ, buồn nôn, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, da xung huyết, đi ngoài, đi tiểu kèm máu, đau bụng vùng gan phải, hành kinh bất thường ở nữ… thì cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng, tư vấn, phân loại điều trị.

Với những trường hợp đánh giá có yếu tố nguy cơ bác sĩ sẽ cho nhập viện điều trị để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh sốt xuất huyết nên đến bệnh viện để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Đặc biệt, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết, tránh muỗi đốt, diệt muỗi trường thành và bọ gậy (loăng quăng), vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng...

Theo Đời sống
back to top