Viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, gout, viêm bao hoạt dịch Lupus hệ thống... là những bệnh liên quan đến xương khớp thường tái phát trong mùa mưa.
Nguyên nhân khiến bệnh lý xương khớp thường tái phát và nặng hơn vào mùa mưa có thể bắt nguồn từ việc chúng ta giảm hoạt động khi thời tiết lạnh; những thay đổi về áp suất khí quyển dẫn đến co giãn cơ, xương và gân; nhiệt độ thấp có thể làm tăng độ đặc của dịch khớp, khiến chúng cứng hơn và nhạy cảm hơn với cơn đau khi di chuyển.
Sự thay đổi nhiệt độ trong mùa mưa, khi nhiệt độ giảm hoặc lạnh hơn sẽ dẫn đến việc các cơ, dây chằng quanh khớp co rút lại khiến cho các khớp co cứng và khó vận động hơn dẫn đến việc cơn đau gia tăng.
Khi trời mưa, áp suất khí quyển giảm xuống đồng nghĩa với việc áp suất đè nén lên cơ thể chúng ta cũng sẽ giảm, thiếu lực nén đó dẫn đến các mô trong cơ thể chúng ta có thể sưng lên và gây kích ứng với các khớp và sưng đau các khớp.
Bác sĩ mách cách đơn giản giảm đau nhức xương khớp khi mưa nhiều |
Hơn nữa vào những ngày trời mưa, chúng ta thường có xu hướng ít vận động, lười tập thể dục và thiếu hoạt động cũng là một nguyên nhân làm trầm trọng tình trạng đau và cứng khớp.
Trong y học cổ truyền, thời tiết được xem là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bao gồm cả bệnh lý xương khớp.
Y học cổ truyền cho rằng các yếu tố thời tiết như gió (phong), lạnh (hàn), ẩm (thấp) có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra các triệu chứng bệnh lý.
Để giảm đau nhức cơ xương khớp trong những ngày này, hãy thực hiện 5 cách đơn giản sau:
Giữ ấm cơ thể
Khi thời tiết lạnh và ẩm ướt, việc giữ ấm cho cơ thể là rất quan trọng. Hãy mặc quần áo ấm, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị đau nhức như đầu gối, khớp tay, và lưng. Sử dụng túi sưởi hoặc miếng dán nhiệt để làm ấm các khu vực bị đau nhức.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Duy trì việc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau nhức. Các bài tập như đi bộ, yoga, hoặc các bài tập kéo giãn cơ nhẹ nhàng có thể cải thiện tuần hoàn máu và giảm cứng khớp.
Chế độ ăn uống hợp lý
Ăn uống đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, và hạt chia có thể giúp giảm viêm và đau nhức. Ngoài ra, cần bổ sung đủ canxi và vitamin D để duy trì sức khỏe xương khớp.
Massage và xoa bóp
Massage và xoa bóp các khu vực bị đau nhức có thể giúp giảm đau và tăng cường tuần hoàn máu. Sử dụng các kỹ thuật massage truyền thống hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia massage chuyên nghiệp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Sử dụng các bài thuốc dân gian
Một số bài thuốc dân gian có thể giúp giảm đau nhức cơ xương khớp hiệu quả. Ví dụ như dùng lá ngải cứu rang muối đắp lên vùng đau nhức, hoặc dùng nước gừng ấm để ngâm chân.
BS Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược, TP HCM)