Áp lực “con nhà người ta” từ những bảng điểm khoe trên mạng

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều phụ huynh chia sẻ, khi chứng kiến những bảng điểm chói lọi của “con nhà người ta” được khoe trên mạng đã cảm thấy rất áp lực và không ít người về nhà trút nỗi bực dọc đó lên con cái.

Cũng cùng một công đẻ mà con nhà người ta…

Thời điểm học sinh kết thúc học kỳ 1, nhiều phụ huynh bắt đầu khoe bảng điểm của con trên mạng với những điểm số “chói lọi” và các thứ bậc của con. Những bình luận bên dưới thể hiện sự trầm trồ, ngưỡng mộ sự giỏi giang của “con nhà người ta”. Nhưng không ít phụ huynh chia sẻ, họ cảm thấy rất áp lực khi nhìn vào những điểm số đó. Bởi vì, con của họ không được như vậy. Thậm chí, có những cháu kết quả chỉ xếp loại trung bình. Bực bội vì “cùng một công đẻ”, mà sao con nhà người ta giỏi giang, con nhà mình lại yếu kém, nhiều phụ huynh về nhà đã trút bực tức đó lên con.

Tuấn, một học sinh lớp 8 của Hà Nội chia sẻ, mỗi khi mẹ em lướt facebook mà có những chia sẻ của bạn bè về sự giỏi giang của các con cái họ, là mẹ lại cho em xem và nói: “Con xem này, cũng cùng là một công có bầu, công đẻ, công chăm sóc, vậy mà con xem con nhà người ta đi. Họ làm cho bố mẹ rạng rỡ, tự hào. Còn con thì sao? Mẹ có gì tự hào ở con? Con có gì để mẹ khoe không? Đến đi họp phụ huynh cho con, mẹ còn chẳng dám ngẩng đầu lên nhìn các phụ huynh khác”.

Bức thư của một cậu bé lớp 4 phản đối áp lực điểm 10, dưới dạng một bài tập được cô giáo gửi lại phụ huynh đã khiến bố mẹ cậu bé lặng người.
Bức thư của một cậu bé lớp 4 phản đối áp lực điểm 10, dưới dạng một bài tập được cô giáo gửi lại phụ huynh đã khiến bố mẹ cậu bé lặng người.

Bức thư của một cậu bé lớp 4 phản đối áp lực điểm 10, dưới dạng một bài tập được cô giáo gửi lại phụ huynh đã khiến bố mẹ cậu bé lặng người.

Tuấn chia sẻ, nghe mẹ nói như vậy em rất buồn. Thậm chí có hôm trên đường đi học, ngồi sau xe mẹ, em đã có ý nghĩ tự tử. Bởi vì, em thấy sự tồn tại của em không mang lại niềm vui cho mẹ. Trong học tập, đúng là có lúc em vẫn còn mải chơi, nhưng em cũng đã cố gắng rất nhiều. Học kỳ vừa qua, điểm tổng kết của em xếp loại Khá. Nhưng mẹ bảo, là con của mẹ thì không được Khá, mà phải Giỏi. Bao giờ, con được vào top Giỏi của lớp thì khi đó mẹ mới vui vẻ và yêu con được.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ cũng cảm thấy day dứt sau mỗi lần mắng con. Tuy nhiên, cứ nhìn những những thành tích của các con mà những phụ huynh khoe trên mạng, họ lại không chịu nổi.

Một số phụ huynh phản ứng bằng cách thông báo “chặn”, xóa khỏi danh sách bạn bè tất cả những ai khoe điểm số của con lên mạng.

Đặc biệt, ngay cả những phụ huynh có con có thành tích học tập tốt họ cũng phản đối sự “khoe khoang” này vì cho rằng, điểm số của các con không phải là thứ để khoe lên mạng xã hội, nhất là khi nó lại gây tổn thương cho những phụ huynh và các học sinh khác.

“Tôi xin thông báo sẽ chặn, xóa khỏi danh sách bạn bè tất cả những ai khoe điểm số của con trên mạng nhé. Ngắn gọn thế thôi ạ”, một chủ tài khoản viết.

Mỗi đứa trẻ có những khả năng khác nhau

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc phụ huynh “khoe” bảng điểm của con lên mạng, cô giáo Nguyễn Thu Hương (Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ) chia sẻ, tâm lý thông thường của những người làm cha, làm mẹ là hãnh diện, tự hào về những gì con đạt được. Và việc “khoe” bảng điểm của con trên mạng cũng là tâm lý đó. Tuy nhiên, đây là việc làm không nên.

Bởi thứ nhất, sẽ vô tình gây áp lực cho các phụ huynh khác, khi con của họ không có được những kết quả đó.

Thứ hai, việc đưa những thông tin của con lên mạng mà chưa được sự đồng ý của trẻ còn vi phạm pháp luật.

Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng đã ghi rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ những thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, trong đó có kết quả học tập.

Cho nên, bố mẹ cần thận trọng trong việc đưa những thông tin cá nhân của con lên mạng, bao gồm cả những thông tin liên quan đến kết quả học tập.

Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, mỗi buổi họp phụ huynh, cô cũng luôn nói với các phụ huynh, những điểm 9, điểm 10 của con là rất đáng quý, nếu đó là điểm thực chất, phản ánh sự nỗ lực học tập của các em. Tuy nhiên, điểm số không phải là tất cả. Mỗi một học sinh sẽ có những năng lực, khả năng riêng. Có em học giỏi Toán, có em lại học giỏi Văn, có em học giỏi Âm nhạc… Không nên nhìn thấy con nhà người khác đạt được thành tích thế này mà bắt con mình cũng phải đạt được kết quả tương tự. Cũng như bản thân chúng ta, có nhiều việc chúng ta cũng không thể làm được những việc mà người khác làm tốt. Cho nên, không nên dội áp lực lên con, bắt con phải là học sinh “toàn diện”. Mỗi đứa trẻ cần được động viên, tạo điều kiện để phát triển được tốt nhất năng lực của mình.

Còn phụ huynh Lê Hoài Thu (Việt Trì, Phú Thọ) đã chia sẻ trên trạng facebook cá nhân: “Nhà tớ đã qua 29 buổi họp phụ huynh từ lớp 1 – 11 (mỗi năm 3 lần đến lớp 9 = 27 lần, lớp 10 có 1 lần vì Covid-19, lớp 11 mới 1 lần đầu năm) nhưng chả lần nào mình về chê con dốt”, cho dù con không được học sinh giỏi.

Chị Thu chưa bao giờ chê con dốt qua các buổi họp phụ huynh, dù con không được học sinh giỏi.

Chị Thu chưa bao giờ chê con dốt qua các buổi họp phụ huynh, dù con không được học sinh giỏi.

Đầu năm, con xin đi học thêm Toán, chị Thu hỏi lý do, con nói vì con dốt nên phải học. Chị Thu đã nói rằng, chả sao, vì dốt Toán sẽ không dốt Văn, dốt Văn sẽ không dốt Toán.

Theo chị Thu, mỗi đứa trẻ cũng sẽ có những năng lực khác nhau, và không nhất thiết phải trở thành người giỏi “toàn diện”.

Quan điểm này của chị Thu đã nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Một số phụ huynh để lại bình luận: “May quá, may mà đọc được chia sẻ này trước khi họp phụ huynh”. “Không cần phải cố làm người toàn diện. Tập trung vào vài cái thôi và cứ thế tiến theo mục tiêu”…

Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã ghi rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân: “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top