"Mẹ ơi, học được điểm 10 mệt lắm"

(khoahocdoisong.vn) - Câu trả lời của cậu học sinh lớp 4 xin giữ nguyên điểm 8, từ chối kiểm tra lại để lấy điểm cao hơn khiến cô giáo bất ngờ và nhiều người phải suy ngẫm.

“Điểm số đã phản ánh đúng sức học của em”

Xung quanh câu chuyện áp lực điểm 10, cô giáo Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Chân Mộng, Cầu Hai, Đoan Hùng, Phú Phọ đã chia sẻ câu chuyện về cậu học trò đã khiến cô và nhiều đồng nghiệp xúc động, suy ngẫm.

Kỳ kiểm tra định kỳ cuối kỳ 2 lớp 4 năm học 2018 – 2019 vửa rồi, cậu học trò đó được 8 điểm cả hai môn Toán và Tiếng Việt. Trong khi đó, ở năm học trước, lớp 3, cậu đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Lớp 3, cô Hương không dạy cậu.

Trước kết quả của học trò như vậy, cô Thu Hương đã gọi riêng học trò ra và hỏi, con có băn khoăn về kết quả thi của mình không. Nếu có vấn đề gì khiến con cảm thấy chưa hài lòng, cô có thể cho con làm lại bài kiểm tra.

“Khi nghe tôi nói như vậy, câu học trò im lặng một lúc rồi nói: Cô cho con suy nghĩ, ngày mai con trả lời cô. Sáng hôm sau, cậu nói với tôi: Em nghĩ, điểm số đã phản ánh đúng sức học của em, cô cho em xin dừng ở đây. Sang năm, em sẽ cố gắng để có kết quả tốt hơn”.

Cô Hương nói, câu trả lời, cách ứng xử của cậu bé đã khiến cô rất bất ngờ, và xúc động, xen lẫn cả cảm phục.

“Trò đã không trả lời ngay, mà sau một đêm suy nghĩ mới quyết định. Điều đó cho thấy, ở trò có sự nghiêm túc, chín chắn. Khi tôi hỏi, vậy sang năm con sẽ làm gì để có kết quả tốt hơn, em ấy nói, con sẽ viết đẹp hơn, trình bày sạch sẽ hơn. Đó cũng chính là một trong những hạn chế bài thi của trò năm nay”, cô Hương chia sẻ.

Đặc biệt, cậu cũng tự quyết định điều đó, chứ không hỏi bố mẹ. “Tôi cũng có gọi điện cho phụ huynh nói về sự việc, mẹ của trò nói, cô cứ tôn trọng quyết định của con.Tôi rất thích cách dạy con này của phụ huynh ”, cô Hương nói.

“Khi nghe câu trả lời của học trò xong, tôi nói: Em lựa chọn như vậy, cô tôn trọng quyết định của em và rất vui vì có một học trò có sự trưởng thành trong suy nghĩ như em.

Gương mặt cậu lộ rõ vẻ xúc động, có lẽ, vì nhận được sự trân trọng từ cô giáo. Cuối năm, tôi vẫn trao phần thưởng cho em, phần thưởng không phụ thuộc vào điểm số”, cô Hương nói.

“Trường của tôi Hiệu trưởng không hề ép thành tích về điểm số học sinh lên các giáo viên. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi đánh giá các em học sinh bằng “học thật, điểm thật”. Lớp tôi năm học vừa qua, chỉ có hơn chục học sinh đạt xếp loại xuất sắc. Có những em thiếu dù 0,25 điểm là được lên điểm 10 tôi cũng giữ nguyên, không hề nâng điểm”, cô Hương chia sẻ.

“Mẹ ơi, học được điểm 10 mệt lắm, con chỉ học 7, 8 có được không?”

Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội về câu chuyện áp lực điểm 10, đại biểu QH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nói, bà cũng nghe rất nhiều phản ánh, tâm sự của phụ huynh về việc này.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, tâm lý phụ huynh, ai cũng mong muốn con được điểm cao. Nhưng học không chỉ vì điểm số ảo mà quan trọng là kiến thức thật. Vì vậy, luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng theo hướng sẽ cho học sinh thực hành nhiều hơn, tương tác nhiều hơn. Nếu chỉ nghiêng về lý thuyết thì không phát huy được năng lực của học sinh. Khi làm chính sách liên quan tới học sinh, nên có một cuộc khảo sát giống như xã hội học, tham khảo ý kiến của các em, xem các em học sinh mong muốn điều gì.

Đừng có nghĩ rằng các em học sinh còn nhỏ mà không có chính kiến của mình. Thực tế, các em "lớn" hơn chúng ta tưởng, có suy nghĩ, chính kiến của mình.

Ví dụ, đối với mỗi thầy cô giáo, ai dạy như thế nào các em đều có nhận xét và có những trao đổi với bạn bè, bố mẹ.

Đại biểu Ngọc Hạnh chia sẻ: “Con tôi học lớp 4. Một bữa, con nói với tôi rằng: Mẹ ơi, học điểm 10 mệt lắm. Con chỉ học điểm 7, 8 có được không? Quan trọng là con hiểu vấn đề, hiểu bài, con áp dụng được. Một số bạn bè của cháu khi được điểm 8 đã khóc tại chỗ luôn. Hỏi tại sao khóc, bạn nói, ba mẹ nói không đạt được điểm 9, 10 là đánh chết.

Ở đây từ phía phụ huynh cũng có áp lực cho con mình. Lẽ ra, phụ huynh phải có động viên con Bản thân đứa trẻ khi nhận điểm kém cũng đã buồn lắm rồi. Nhất là khi thấy các bạn được khen thưởng còn mình thì không”.

Theo bà Ngọc Hạnh, chỉ cần để cho học sinh tiếp thu được kiến thức thực sự, biết vận dụng tốt vào cuộc sống là được. Thực tế, thiên tài cũng đâu có đạt điểm mười trăm phần trăm đâu.

Áp lực điểm 10 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có khâu tổ chức thực hiện. Có một số một số lĩnh vực cơ quan chuyên môn không quy định cứng, không đóng khung, phải mở. Nhưng quá trình áp dụng của mình, cách hiểu lại cứng quá.

Ví dụ như tinh thần của thông tư 22 không hề coi nặng điểm số, thế nhưng thực tế vận dụng lại khác. Điều này cần có sự giám sát, tuyên truyền để những người thực hiện cho đúng.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top