Áp dụng mô hình của Nhật Bản trong xây dựng chương trình đào tạo dinh dưỡng

Từ năm 2013 Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản đã phối hợp với Đại học Y Hà Nội mở khóa Cử nhân Dinh dưỡng đầu tiên. Cho tới nay, đã có bảy trường đại học trên cả nước đang đào tạo cử nhân dinh dưỡng.

Đặc biệt, trong đó có mô hình đào tạo cử nhân dinh dưỡng hợp tác giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản và Đại học Thành Đông – một mô hình tiên tiến, cập nhật, hội nhập quốc tế và tương tác hiệu quả giữa thầy và học trò trong quá trình học tập và giảng dạy.

Đào tạo cán bộ dinh dưỡng tiết chế theo cách tiếp cận cá thể hóa

Hiện nay mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm với 75% tỷ lệ tử vong là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút…

Do vậy, vai trò của chế độ dinh dưỡng, điều trị dinh dưỡng là rất cần thiết và cấp bách. Để thực hiện dinh dưỡng điều trị có hiệu quả nhất, trước hết cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và thực hành dinh dưỡng, đó là cách “tiếp cận cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị”.

Ví dụ với một người bệnh mắc đái tháo đường. Trước đây các nhà điều trị thường nghĩ ngay tới “chế độ ăn cho đái tháo đường” và đưa ra chỉ định “chế độ dinh dưỡng 01, 02…”  mà chưa quan tâm tới các yếu tố liên quan như: tuổi, tình trạng và diễn biến bệnh lý, nơi sống và điều kiện sống, trình độ nhận thức và thói quen ăn uống của người bệnh như thế nào?)…

Đấy là cả một “ma trận” các yếu tố liên quan mà chỉ được giải quyết, điều trị hiệu quả khi cử nhân dinh dưỡng được đào tạo thấm nhuần cách tiếp cận cá thể hóa trong dinh dưỡng điều trị. Hiểu đơn giản hơn, cách tiếp cận cá thể hóa để trả lời các câu hỏi liên quan đến từng người bệnh một cách tường tận và thỏa đáng.

Một điều cũng cần bàn tới nữa là với một người bệnh, ví dụ người mắc bệnh đái tháo đường thì thời gian nằm viện điều trị trung bình từ 7 – 10 ngày, vậy thời gian còn lại trong cuộc đời của người bệnh, ai sẽ chịu trách nhiệm tư vấn phòng và điều trị một cách tích cực theo hướng cá thể hóa? hay chỉ là những buổi tuyên truyền giáo dục cộng đồng là đủ?

Chỉ có một câu trả lời đó là phải đào tạo cán bộ dinh dưỡng tiết chế theo cách tiếp cận cá thể hóa, đó là trang bị cho sinh viên – những cán bộ dinh dưỡng tương lai những kiến thức bệnh học tốt, có nền tảng kiến thức và thực hành tốt. Sinh viên học dinh dưỡng cần hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của các bệnh (nội, ngoại, sản, nhi), có hiểu biết sâu sắc về các cơ sở của dinh dưỡng học (dinh dưỡng cơ sở, hóa sinh dinh dưỡng, sinh lý dinh dưỡng, tương tác thuốc và thực phẩm…) và phải được học cách tiếp cận cá thể hóa trong điều trị dinh dưỡng nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và các bệnh không lây nhiễm…

Có như vậy thì công cuộc phòng chống các bệnh không lây nhiễm của nước ta mới có hiệu quả, mới đem lại chất lượng lao động, chất lượng sống cho toàn thể nhân dân ta.

Đào tạo cán bộ dinh dưỡng theo chuẩn quốc tế

Những vấn đề nêu trên đã được Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Nhật Bản bàn bạc, thống nhất và áp dụng mô hình của Nhật Bản trong xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu, xây dựng cơ sở thực hành tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trang web tương tác thầy – trò có hiệu quả và tiết kiệm thời gian học trên lớp.

Trong năm 2017, để hiện thực hóa mô hình này một cách hiệu quả  Viện Dinh dưỡng Quốc gia (phối hợp với Khoa Dinh dưỡng của Đại học Thành Đông) đã mở lớp cử nhân dinh dưỡng hệ vừa học vừa làm đầu tiên với hơn 40 học viên từ các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng trong cả nước tham dự. Đây là những tín hiệu tích cực phản ánh hướng đi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia là rất phù hợp.

Trong năm 2018, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này ở các trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học Đông Á Đà Nẵng, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội…

Đồng thời, để hoàn thiện mô hình đào tạo này hơn nữa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Khoa Dinh dưỡng của Đại học Thành Đông mở lớp đào tạo cử nhân Dinh dưỡng hệ chính qui với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng của Nhật Bản (Dự án VINEP) với các hoạt động chủ yếu là:

Cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, xây dựng và sử dụng tài liệu giảng dạy hiện đại cập nhật, sinh viên được thực hành tại cơ sở thực hành hiện đại của Viện Dinh dưỡng, trao đổi giảng dạy của các chuyên gia, giáo sư Nhật Bản, tạo cơ hội thực tập tại Nhật bản cho các học sinh xuất sắc…

                                     PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy (Viện Dinh dưỡng QG)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top