Ngôi nhà của Trần Văn Ma.
Sống trong bóng tối
Trần Văn Ma sống trong một căn nhà mái rạ ở thôn 3 xã Bằng Cốc. Khi chúng tôi đến, Ma đang cùng vợ vót tre làm đũa để bán ngoài chợ. Ma bảo: “Cả đời tôi sống trong bóng tối, nghe con gà nó gáy thì biết là trống hay mái nhưng cũng chẳng biết thân hình nó làm sao, tội lắm”.
Ma dẫn chúng tôi vào nhà, tự anh đi pha trà, chêm nước sôi, đi tìm điếu cày têm thuốc thuốc mời khách. Ma kể: “Hồi mới lên hai thì bị bệnh thủy đậu, gia đình cho rằng đó là do con “ma” nó nhập vào nên mời thầy cúng bái. Cúng mãi mà chẳng khỏi đến khi mắt mờ đi thì mới đến thầy lang cắt thuốc. Ai ngờ, uống xong thang thuốc, đắp thuốc lá vào mắt rồi bỏ khăn ra thì chẳng nhìn thấy gì nữa, mù từ đấy đến nay”.
Ma sinh năm 1973, đến nay đã 44 năm sống trong bóng tối. Ông Vi Trung Nông là cậu ruột của Ma cho biết: “Ấy vậy mà nó còn giỏi hơn khối người sáng mắt khác đấy, việc gì nó cũng làm được. Đấy anh xem, cả bản này có mấy gia đình có nhà xây tường xi măng, nó làm được tuốt, giỏi là đằng khác”.
Nghe đến đây, Ma cười khành khạch bảo: “Thì cái bụng đói, cái chân phải bò chứ biết sao. Cứ dựa vào mù lòa mà ăn sẵn thì chỉ bị khinh bỉ thôi”.
Lội suối bắt ba ba khủng
Tôi đồ rằng, anh Ma là một trong những dị nhân có những khả năng kỳ diệu nhất. Ví như chuyện Ma bắt được con ba ba khủng nặng 12 kg ở trong hang của một con suối xã bên cạnh.
Ma kể: “Hôm ấy, tôi sang xã bên lần tìm để bắt rắn hổ mang, đến con suối nghe thấy tiếng động lạ nên tôi cũng khiếp vía. Nhưng nghe kỹ thì đó là tiếng động do con ba ba phát ra, chỉ có điều nó khác bình thường”.
Thế rồi, Ma lội xuống suối, bì bõm lần theo tiếng động đến một cái hang đầu nguồn. Xác định đúng chỗ có tiếng động lạ, Ma thò chân vào để kiểm tra nhưng không thấy gì. Cuối cùng, anh đành lặn xuống chui vào hang để tìm. Ma suýt ngất vì tưởng đó là quái vật, anh vội vàng rút lên trên định thần.
Không bỏ cuộc, Ma tiếp tục lặn xuống, cố hết sức bình sinh lôi con “quái vật” ấy ra khỏi hang. Sau vài lần nhô lên ngụp xuống, con ba ba suối 12 kg bị Ma khuất phục. Cả bản làng hò reo theo sau Ma, cuối cùng một đại gia đã đến mua con ba ba về làm cảnh với giá “để Ma làm cả cái nhà”.
Không chỉ bắt được ba ba khủng, Ma còn là một tay bắt rắn kỳ khôi. Xã Bằng Cốc có nhiều đồi núi, bụi rậm nên cũng là địa bàn lý tưởng cho rắn hổ mang. Hàng ngày, Ma đều men theo sườn núi, dùng đôi tai cực thính của mình để nghe tiếng rắn trườn. Ma bảo: “Tôi chỉ bắt rắn hổ mang nên phải nghe thật kỹ để phát hiện ra chúng. Có con rất khôn, khi người tới gần chúng sẽ cuộn tròn nên phải “đánh hơi” bằng mũi. Nói anh không tin, chứ tai và mũi tôi tinh vô cùng, đến cái lá rơi tôi còn nghe được”.
Không biết thực hư cái sự thính của Ma như thế nào, nhưng công việc bắt rắn hàng ngày của anh để nuôi sống gia đình là minh chứng đáng tin cho lời “giới thiệu” bản thân.
Ông Vi Trung Nông nghe cháu nói vậy thì bồi thêm: “Nó bắt rắn kiểu khác người lắm, không cần dùng gậy dài như người khác. Con nào chạy nhanh, nó lấy đá ném điểm huyệt rắn, nó ném giỏi trăm phát trúng trăm”. Ma nghe vậy, vỗ đùi cười đắc ý.
Mỗi ngày, Ma vót được 500 chiếc đũa
Làm việc như người sáng mắt
Quả thực, nếu không nhìn vào mắt Ma, sẽ chẳng ai nhận ra anh bị mù. Từ việc đi lại đều như người bình thường, không phải chậm chạp dò dẫm từng bước.
Một chuyện khó tin nhưng có thật, Ma có thể tự xâu kim may vá quần áo mà không cần nhờ vả đến bất cứ ai. Cái điện thoại mà năm ngoái anh mua để liên lạc với bạn bè cũng được sử dụng cách thành thạo. Từ lưu số đến nhắn tin đều có thể tự thân thực hiện được.
Nhà Ma có hơn chục cây mít và ổi, đến mùa mít chín, ổi thơm Ma còn trèo cây như khỉ để hái quả đem ra chợ bán. “Người ngoài thấy thế là điều lạ, nhưng chúng tôi thấy quen rồi. Nó còn leo núi lấy đá làm mống nhà, chặt tre xẻ gỗ cưa bào đục đẽo làm cột kèo cho mái cơ đấy”, ông Vi Trung Nông cho hay.
Công việc hàng ngày như nấu cơm, giặt giũ là việc quá bình thường đối với Ma. Anh bảo: “Bây giờ, tôi không nghĩ mình bị mù nữa, ngày nào cũng vót đủ 500 đôi đũa đem bán ngoài chợ, tiền tôi còn không nhầm thì sao làm nhầm được”.
Chuyện Ma sờ tiền là biết mệnh giá cũng được kiểm nghiệm. Chúng tôi lấy một số tiền ra, từ tiền polime đến tiền giấy đều được Ma đọc đúng mệnh giá, không hề có nhầm lẫn.
Ma và vợ là Phùng Thị Viên.
Hạnh phúc giản dị
Không chỉ là một cao thủ hạ rắn, bắt ba ba, Ma còn là một chàng trai rất “sát gái”. Nghe danh Ma có tật mà lắm tài, không ít cô đến tuổi cập kê trong và ngoài bản đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ.
Và rồi năm 2002, Ma đem lòng yêu cô con gái trưởng bản xã bên là chị Phùng Thị Viên. Đám cưới của Ma cũng rất đặc biệt, toàn thịt ếch, ba ba và rắn. Chinh phục được trái tim người đẹp, Ma bắt đầu có gia đình và đến nay cái gia đình nhỏ ấy đã có thêm 2 thành viên. Anh bảo: “Đó là hạnh phúc giản dị và tuyệt vời nhất, trời lấy đi của tôi đôi mắt nhưng bù lại cho tôi nhiều khả năng kỳ diệu và một gia đình hạnh phúc”.
Ma cho hay: “Dự định trong tương lai chẳng có gì to tát, chỉ làm sao cố gắng làm lụng nuôi con cái học hành, tương lai sáng lạn của con cái là đèn soi cho gã mù này”.
“Ma tuy bị khiếm thị từ nhỏ nhưng rất có tinh thần trong cuộc sống, chịu khó làm lụng nuôi gia đình, giỏi săn bắn cũng như việc nương rẫy. Ma còn là người sống độ lượng, không dựa dẫm, vì thế anh không nhận hộ nghèo để nhường chế độ ấy cho những người khác”, ông Vi Quốc Phòng – Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc cho biết.
Thái Hòa