Theo y học cổ truyền, vừng đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo, bổ ngũ tạng, hư nhược, ích khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, thêm thông minh, dùng ngoài đắp trị sưng tấy, vết bỏng và làm cao dán nhọt…
Ngoài ra, hạt vừng và dầu hạt vừng được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng. Cũng từ hạt vừng, người ta đã lấy được một thứ dầu ăn chứa nhiều axit béo không no, tốt cho cơ thể, phòng tránh được bệnh tim mạch.
Tỷ lệ axit béo không no so với tổng số axit béo có trong dầu vừng chiếm tới 85%, nghĩa là thuộc loại an toàn cao. Vì vậy, dầu vừng và vừng được xem là vị thuốc hữu hiệu cải thiện độ khô ráp của làn da.
Theo kinh nghiệm dân gian những người da quá khô, thô ráp, tính đàn hồi của da kém, ăn vừng thường xuyên một thời gian làn da sẽ mượt mà trở lại.
Những ngày đầu mỗi ngày ăn 20g, sau tăng lên 30 – 40g, ăn liền trong 3 – 4 tháng sẽ thấy kết quả. Khi ăn, có chế biến thành các món ăn bài thuốc bổ dưỡng.
Vừng đen 500g đem phơi khô, sao chín, tán ra bột, cho vào lọ sạch dùng dần. Khi ăn, cho 1-2 thìa bột vừng vào bát, cho thêm đường tùy theo khẩu vị (nếu có đường phèn càng tốt), đổ nước sôi vào quấy đều thành chè.
Có thể nấu vừng đen, đỗ đen, đường và hương liệu thành món chè ăn nóng vào mùa đông và ăn lạnh vào mùa hè để bổ dưỡng và giải nhiệt.
Cháo vừng: vừng đen và gạo thơm nấu nhừ thành cháo ăn. Cháo này có tác dụng lợi gan, bổ thận, dưỡng da, làm đen tóc, bồi dưỡng sức cho người già.
Có thể dùng vừng đen 6g, sao thơm, để riêng. Gạo tẻ 30g, cho vào nồi thêm nước nấu thành cháo. Khi cháo chín cho vừng vào khuấy đều, thêm chút đường cho vừa khẩu vị. Dùng làm món ǎn điểm tâm buổi sáng.
Canh chân giò vừng đen: vừng đen rang chín, giã nhuyễn rồi cho vào món chân giò hầm nhừ.
Sữa đậu nành vừng đen: Xay đậu tương đã ngâm nở cùng với vừng đen đã rang. Lọc lấy nước và đun sôi hỗn hợp trên bếp. Sau đó cho đường vào sữa và thưởng thức.
Canh vừng dấm trứng gà: Vừng đen 30g, dấm ǎn 30g, thêm lòng trắng một quả trứng gà, nấu thành món canh, ngày ǎn 2 lần.
Lương y Nguyễn Yến (Hội Đông y Hà Nội)