Ăn uống phòng nhiễm khuẩn

(khoahocdoisong.vn) - Khoảng 85% vi khuẩn E. coli lây truyền từ thực phẩm sang người, đó là nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. Con đường lây truyền chủ yếu từ thịt giết mổ và chế biến không hợp vệ sinh.

E.coli hiện diện trong nhiều loại thực phẩm

Cách đây 2 năm Viện Pasteur TPHCM đã khảo sát lấy mẫu thịt gà, vịt, lợn tại chợ để kiểm tra thì thấy, chúng đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép. BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, E.coli (Escherichia coli) là một loài vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như E.coli O157:H7 có thể gây tử vong.

Vi khuẩn E.coli không những có ở trong thịt do nhiễm khuẩn mà còn có ở cả trong rau, trong sữa bò tươi. Việc vắt sữa bò có thể làm cho vi khuẩn này lây lan từ vú bò sang sữa khiến người sử dụng bị ngộ độc thực phẩm. Đối với nước ép trái cây tươi cũng vậy. Khi hoa quả rửa không sạch, dụng cụ gọt hay ép không được vệ sinh, vi khuẩn E.coli có thể lây nhiễm chéo và tấn công cơ thể con người.

Đối với nguồn nước, vi khuẩn E. coli có thể trú ngụ ở trong nước, trong các đường ống lâu ngày nên khi nước chưa được xử lý qua clo có nguy cơ khiến vi khuẩn tấn công cơ thể. Tại nước ta, thịt là môi trường E.coli dễ xâm nhập. Do điều kiện vệ sinh kém, từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm đến các nơi bày bán, chế biến thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, quy trình giết mổ không hợp vệ sinh là nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn E.coli.

Nguy cơ khi nhiễm khuẩn

Khi bị nhiễm khuẩn E.coli, thông thường người bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2-20 giờ, sau đó đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày kèm theo sốt, người mỏi mệt, chân tay co quắp đổ mồ hôi, sau khi điều trị, người bệnh có thể khỏi bệnh trong vài ngày. Trong những trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ, người bệnh đi tiêu vài lần là hết nhưng với những trường hợp nặng, có thể gây nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu với các triệu chứng vô cùng khó chịu. Có trường hợp người bệnh nhiễm trùng nặng, tiêu chảy ra máu, mất nước hoặc suy thận. Những trường hợp này phải cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Ngoài nhiễm khuẩn E.coli, chúng ta còn có thể mắc dịch tả nếu ăn phải lợn mắc bệnh và không được nấu chín. PGS.TS Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp VN cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam vừa qua chủ yếu gây nhiễm vào đại thực bào của lợn và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng. Virus gây bệnh có khả năng tồn tại lâu dài trong máu, các mô bào và những sản phẩm thịt sống hoặc nấu không chín kỹ. Tuy nhiên, virus dịch tả lợn châu Phi bị vô hoạt ở nhiệt độ 600C trong 20 phút, độ pH=11,5 hoặc bằng những hóa chất sát trùng thông dụng như ête, chloroform, NaOH 0,8%, clorin 3%, formalin 0,3%. Trong khi các điều kiện kiểm soát, giết mổ còn nhiều kẽ hở thì người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, khi chế biến nên nấu thịt hay cá chín kỹ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và chín.

Để phòng bệnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, nên thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm hợp lý, đúng cách. Mỗi thành viên trong gia đình nên rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với động vật. Tất cả các thiết bị làm bếp phải đảm bảo vệ sinh, dao và thớt thái thực phẩm sống và chín phải dùng riêng, không để lẫn lộn hoặc để cho thực phẩm chín tiếp xúc với thực phẩm sống. Đối với thịt, nếu muốn hạn chế vi khuẩn E.coli nên chọn mua thịt đông lạnh tại các siêu thị vì vi khuẩn E.coli không chịu được lạnh. Nếu thịt được giết mổ theo dây chuyền, được cấp đông thì vi  vi khuẩn E.coli có thể giảm xuống nhiều hơn. Khi nấu nướng có thể rã đông thịt trong lò vi sóng, không nên để rã đông ngoài không khí. Đối với sữa, nên uống sữa đã tiệt trùng.

Hồng Loan

Theo Đời sống
back to top