Ăn nhiều dừa, đường máu tăng

(khoahocdoisong.vn) - Dừa dùng trong chế biến món ăn rất nhiều, chủ yếu là nước dừa và cùi dừa. Nước dừa chứa đường, đạm, chất chống ôxy hoá, clorua, kali, magiê, đường glucose, các vitamin nhóm B và chất khoáng

Chị Trần Việt Hà sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng lấy chồng ngoài Bắc. Chị thường nấu các món ngọt vị đường, ngậy vị dừa, béo vị quả bơ. Chồng chị Hà rất thích món ăn chị nấu nhưng món nào có dừa hoặc nước dừa là anh thấy đầy bụng. Gần đây anh đi khám và xét nghiệm máu thấy đường máu tăng, bác sĩ khuyên anh bớt ăn ngọt, bớt ăn cả dừa vì đây có thể là nguyên nhân khiến đường máu tăng.

Lời bàn: BS Thu Hà (Giáp Nhất, Hà Nội) cho biết, dừa dùng trong chế biến món ăn rất nhiều, chủ yếu là nước dừa và cùi dừa. Nước dừa chứa đường, đạm, chất chống oxy hoá, clorua, kali, magiê, đường glucose, các vitamin nhóm B và chất khoáng. Nước dừa tạo cân bằng điện giải, bổ dưỡng đối với cơ thể, nhất là trong mùa hè nắng nóng. Các món ăn của ta hay sử dụng cùi dừa mà chất béo trong cùi dừa chứa hàm lượng axít béo no cao, khi vào cơ thể, sự chuyển hoá của chất béo này sẽ gây hại cho tim mạch và không có lợi cho người đái tháo đường. Người mắc rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì, người có chỉ số đường máu cao không nên sử dụng nước cốt dừa. Phụ nữ có thai, người suy nhược, xơ vữa động mạch, có bệnh tim mạch… nên hạn chế ăn cùi dừa. Nước dừa cũng không nên uống nhiều vì dễ gây đầy bụng. Uống nước dừa nên uống ban ngày, không nên uống chiều tối sẽ ậm ạch, khó ngủ.

QA ghi

Theo Đời sống
back to top