Những ca tử vong sau tiêm văcxin gần đây đã dấy lên mối lo ngại của cộng đồng và ít nhiều ảnh hưởng đến chương trình tiêm văcxin ngừa Covid. Nguyên nhân được nói đến nhiều là sốc phản vệ.
Trao đổi về vấn đề này, AHLĐ. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, tiêm văcxin là cần thiết vì đến nay chưa có vũ khí hữu hiệu nào chống lại SAR-CoV-2. Tuy nhiên, để giảm thiểu biến chứng, tử vong do tiêm văcxin, cần thực hiện một số giải pháp sau:
1. Thực hiện tốt hơn cấp cứu ban đầu khi người tiêm có biểu hiện sốc phản vệ.
- Tiêm ngay Adrenalin. Mỗi phòng theo dõi cần có 1 bơm tiêm chứa sẵn adrenalin để khi cần có thể tiêm ngay, không lúng túng mất thời gian tìm thuốc, lấy thuốc. Tốt hơn là Bộ Y tế nên mua và trang bị bơm tiêm tự động chứa adrenalin.
- Đặt ngay đường truyền tĩnh mạch, nếu khó khăn chuyển ngay sang tiêm, truyền vào tủy xương chày.
- Thở o xy qua mũi hoặc qua mặt nạ.
- Gọi đội ứng cứu chuyên nghiệp từ tuyến trước sau khi đã thực hiện các biện pháp trên.
Cần tập huấn và trang bị để cán bộ y tế cơ sở có khả năng thực hiện các việc đã nêu (không khó và không đắt tiền). Cấp cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Chuyển bệnh nhân đang trong tình trạng sốc phản vệ lên tuyến trên không phải là giải pháp tốt, không giúp giảm tử vong.
2. Cần nghiên cứu xem có nên dùng các thuốc chống dị ứng cho những người đã có tiền sử dị ứng trước khi tiêm không?
3. Cần nghiên cứu đánh giá toàn diện tất cả các trường hợp có biến chứng, tử vong sau tiêm văcxin trong thời gian vừa qua để tìm nguyên nhân/yếu tố liên quan nhất là công tác cấp cứu ban đầu từ đó đề ra các biện pháp khắc phục hiệu quả.