70 năm Sư phạm Văn khoa: Khoảng trời cây lớn chồi xanh

70 năm thường được coi là thước đo cho một đời người, đối với một đơn vị đào tạo, đó là thước đo cho một hành trình tiếp sức bởi nhiều thế hệ.
Bài hát Cô giáo Bản Mèo ra đời vào năm 1974, do thầy giáo Trần Phú Thế Cường của khoa Ngữ văn sáng tác trong đợt thầy cùng đoàn của Khoa đi thực tế miền Tây Bắc. Hôm đó, trời mưa dữ dội, đoàn dừng chân bên đền thờ thì bắt gặp hình ảnh một cô giáo đang say sưa dạy các em nhỏ trong lớp học đơn sơ. Hình ảnh đó đã gây xúc động mạnh với tác giả. Sau bao nhiêu năm ra đời, bài hát vẫn gây xúc động, truyền cảm hứng về tấm gương biết bao thế hệ thầy cô đã không quản ngại khó khăn, hết lòng vì đàn em thơ. Nguồn video: Khoa Ngữ văn.

Do điều kiện dịch bệnh, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (11/10/1951- 11/10/2021) đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối hàng trăm điểm cầu trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài.

70-nam-su-pham-van-khoa-2.jpg
PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn cho biết, cách đây 70 năm, phân hiệu dự bị đại học Văn khoa, tiền thân của Khoa Ngữ văn được thành lập.

Những bài giảng văn đầu tiên của thời “giảng đường mái lá” được bắt đầu vào “mùa xuân năm 1952” cùng tên tuổi những “người thầy đầu tiên” của nền khoa học ngữ văn nước nhà: GS Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc…

Trong số những sinh viên văn khoa từ những “giảng đường đầu tiên” ấy, có người được vinh danh không phải trên bục giảng như nhạc sĩ, nghệ sỹ nhân dân Trọng Bằng, song phần lớn những người còn lại đều “cả đời theo nghề giáo” như cô Đặng Thanh Lê, thầy Phan Trọng Luận, thầy Trần Thanh Đạm, thầy Nguyễn Xuân Nam, thầy Nguyễn Hoàng Tuyên...

70-nam-su-pham-van-khoa(1).jpg
Do hoàn cảnh dịch bệnh, buổi lễ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
70-nam-su-pham-van-khoa-3.jpg
PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn (thứ 3 từ trái qua) cùng các thế hệ giảng viên Khoa Ngữ văn.

Từ những tháng năm gian khó chiến tranh cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới, Khoa Ngữ văn vẫn khẳng định được chính mình, đồng thời chi viện cho khoa Văn các trường sư phạm khác.

Thực hiện được điều đó chính là đã có một thế hệ các thầy cô giỏi giang, tận tình, tâm huyết - thầy Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, cô Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, thầy Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Trần Đình Sử, Bùi Văn Ba, Nguyễn Nghĩa Trọng…

Nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Hoàng Triều Ân, Nguyễn Bắc Sơn, Tô Nhuận Vỹ, Dương Thụ... cũng đã trưởng thành từ giảng đường khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

70-nam-su-pham-van-khoa-4.jpg
Và khoảng trời cây lớn chồi xanh...

Sang thế kỉ mới, khoa Ngữ văn tiếp tục vượt qua những khó khăn lớn lao, tiếp nối được truyền thống ấy.

Và mỗi chồi xanh cứ thế lớn lên

Vươn theo những tầng cây cao bóng cả

Bảy mươi năm, giữa khoảng trời rộng mở

Nắng văn khoa ấm mãi đường dài”

Dẫn lại những dòng thơ của một sinh viên năm nhất, PGS.TS Đỗ Hải Phong xúc động chia sẻ, lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt và bằng hình thức cũng thật đặc biệt. 

Tuy chỉ gặp được nhau qua màn hình, nhưng việc được cùng nhau ôn lại những buồn vui 70 năm qua đã có ý nghĩa lớn trong việc vun đắp tình thầy trò. "Để các thế hệ Khoa Ngữ văn chúng ta thêm gắn bó, thương yêu nhau, cùng chung sức dựng xây một Khoa Ngữ văn vững bền mãi mãi", PGS.TS Đỗ Hải Phong nói.

Nhiều cựu sinh viên chia sẻ, khoảnh khắc được nhìn thấy thầy cô, dù chỉ qua màn hình đã rất xúc động. Qua bao năm tháng, tình thầy trò, bạn bè trên giảng đường vẫn là những điều thiêng liêng, đi theo mỗi người suốt cuộc đời.

70-nam-su-pham-van-khoa-5.jpg
Tình bạn là hành trang quý đi theo mỗi người suốt cuộc đời. 

Cho đến nay, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có 4 người đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 10 người đạt giải thưởng nhà nước về Khoa học công nghệ, có 15 nhà giáo nhân dân, 26 nhà giáo ưu tú, nhiều cá nhân được tặng thưởng danh hiệu cao quý dành cho nghề thầy giáo.

Khoa Ngữ văn đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1994), Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2001), nhiều cá nhân và bộ môn cũng từng được tặng thưởng Huân chương lao động từ hạng Ba đến hạng Nhất, nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT.

Bài hát Tiếng Việt (thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Lê Tâm) được cô giáo Nguyễn Bích Liên gửi tới buổi lễ như một lời tri ân tới các thầy cô giáo đã giúp nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt.
Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top