Hằng ngày, cơ thể tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc, thuốc trừ sâu và chất bảo quản thực phẩm. Các độc tố này hấp thụ và tích lũy theo thời gian, phá hủy dần các tế bào bên trong cơ thể. Cơ thể không thể tự giải độc xuất hiện dấu hiệu như khó ngủ, căng thẳng, mỏi mệt, thừa cân, nhiễm độc gan.
Nếu bạn thấy mình trải qua một hoặc nhiều dấu hiệu trên hãy thay đổi cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bạn có thể thực hiện một vài thay đổi dưới đây để hạn chế việc tích tụ độc tố trong cơ thể:
Tiêu hóa kém
Khó tiêu thường xuyên có thể là dấu hiệu cơ thể quá tải chất độc và cần được thanh lọc. Gan là cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm giải độc, lọc các chất thải. Táo bón hoặc không đi tiêu đều đặn có thể xảy ra khi chế độ ăn uống thiếu chất chống oxy hóa, khiến chất độc hấp thụ vào máu.
Những đợt tiêu chảy nghiêm trọng kéo dài cũng cảnh báo hệ tiêu hóa đang quá tải. Điều này xảy ra khi cơ thể chứa quá nhiều chất độc, khiến khó hấp thu các vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu.
Khi xuất hiện những dấu hiệu này, nên thực hiện chế độ ăn thanh lọc cơ thể thích hợp dưới sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Tăng cân thất thường
Các mô mỡ (tế bào mỡ) trong cơ thể có xu hướng tích tụ chất độc. Cơ thể khó phá vỡ các tế bào mỡ này để giải phóng chất độc, dẫn đến tăng cân không mong muốn.
Thay đổi lượng thức ăn, dinh dưỡng đột ngột hay uống rượu và hút thuốc có thể khiến cơ thể không thể hoạt động bình thường, tích tụ độc tố.
Tăng cân, thường xuyên khó tiêu có thể do tích tụ độc tố trong cơ thể. Ảnh: Freepik |
Cảm giác thèm ăn tăng lên
Ghrelin là hormone kích thích cảm giác thèm ăn, được não tiết ra để báo hiệu cơn đói. Người thường xuyên thèm ăn trong khi vẫn ăn uống đầy đủ có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần loại bỏ độc tố.
Căng thẳng, mệt mỏi
Khi làm việc quá sức, cơ thể và tâm trí cảm thấy căng thẳng. Để đối phó với tình trạng này, cơ thể tiết ra dopamine còn gọi là "hormone hạnh phúc". Tuy nhiên, chất độc tích tụ quá nhiều có thể cản trở quá trình sản xuất dopamine khiến khó kiểm soát căng thẳng dẫn đến trầm cảm, lo lắng, tâm trạng thất thường.
Thường xuyên mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu cơ thể cần thanh lọc.
Hay ốm
Dễ ốm là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang suy yếu. Điều này khiến một người dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn. Lúc này, bạn nên ăn uống lành mạnh bằng cách cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt. Chúng tác động xấu đến sức khỏe đường ruột - hàng rào miễn miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Trí nhớ, khả năng tập trung kém
Cơ thể có quá nhiều chất độc ảnh hưởng đến chức năng gan, khiến máu tích tụ nhiều ở não. Khi điều này xảy ra, hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh có thể bị ảnh hưởng, khiến não hoạt động chậm lại.
Khó ngủ
Khó ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần giải độc. Khi có nhiều độc tố bên trong, nhịp sinh học có thể thay đổi và gây khó ngủ hơn. Một số người còn hay thức giấc vào nửa đêm, làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ REM, dẫn đến những vấn đề sức khỏe liên quan khác.
Khi các dấu hiệu trên xảy ra thường xuyên, nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kiểm tra sức khỏe tổng quát đóng một vai trò quan trọng trong việc tầm soát mầm bệnh ngay cả trong trường hợp bạn không có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh.
Việc phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp điều trị đúng cách sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cách để không tích tụ độc tố trong cơ thể
- Hãy uống nhiều nước vì nó sẽ thải các độc tố ra ngoài cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích gây hại. Hãy uống trà thảo dược, ăn thêm rau mùi tây, rau mùi... để thải độc gan.
- Luyện tập thể thao lành mạnh như yoga. Điều này giúp cải thiện lưu thông cơ thể và giúp loại bỏ độc tố.
- Vệ sinh răng miệng vào sáng, trưa và tối. Đừng quên vệ sinh cả lưỡi.
- Ăn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.
Chỉ sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên, hoặc mĩ phẩm uy tín để tránh gây hại cho da.
ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường ĐH Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)